Dự án mỏ sắt Thạch Khê nhìn từ trên cao - Ảnh: LÊ MINH
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất sớm cho chủ trương xử lý dự án mỏ sắt Thạch Khê tại huyện Thạch Hà.
Dự án khai thác, tuyển mỏ sắt Thạch Khê đã dừng bó đất tầng phủ và tạm dừng khai thác từ năm 2011 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC), các bộ, ngành tư vấn để tư vấn, phản biện về dự án.
Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản gửi trung ương, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ngừng (chấm dứt) dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Hà Tĩnh cho rằng, việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn đến nhiều tồn đọng, trong đó có phát sinh liên quan đến TIC chưa được giải quyết.
Hệ thống máy móc phục vụ dự án từ lâu không còn hoạt động - Ảnh: LÊ MINH
Để giải quyết các vướng mắc về khoản nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ sắt Thạch Khê do tạm dừng dự án, tạo điều kiện cho TIC tham gia chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, ổn định việc sản xuất, đời sống nhân dân trên địa bàn liên quan hoạt động khai thác mỏ, Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê và Nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của công ty.
Xem xét kiến nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam và TIC về việc tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với TIC để công ty này duy trì hoạt động trong thời gian dừng khai thác mỏ.
Các nhà làm việc của một số công ty bị bỏ hoang sau khi dự án mỏ sắt tạm dừng - Ảnh: LÊ MINH
Sáng 29-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Cục Thuế Hà Tĩnh cho hay theo thông báo của Tổng cục Khoáng sản Việt Nam, hiện nay TIC đang nợ các khoản thuế với số tiền hơn 520 tỉ đồng. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 309 tỉ đồng (tính đến hết năm 2017); tiền thuê đất là 25 tỉ; tiền phạt chậm nộp là 185 tỉ; tiền thuế phi nông nghiệp gần 560 triệu đồng.
Từ năm 2018 đến nay, phía Tổng cục Khoáng sản Việt Nam không thông báo các khoản thuế kể trên vì lý do dự án đang tạm dừng khai thác.
Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV, người đại diện quản lý phần vốn tại TIC) cho rằng dựa vào mục C, khoản 3, điều 9 của nghị định 67/2019/NĐ-CP, TIC đang thuộc đối tượng doanh nghiệp phải tạm dừng khai thác khoáng sản do có yêu cầu của cấp có thẩm quyền, do đó TIC được lùi thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục triển khai dự án và không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian tạm dừng dự án.
Vì vậy, TKV kiến nghị Tổng cục Thuế và UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế Hà Tĩnh dừng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn của TIC. Tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thuê đất phi nông nghiệp đến thời điểm được cấp thẩm quyền cho phép tái khởi động dự án.
Mỏ quặng sắt Thạch Khê được xem là mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam và số 1 khu vực Đông Nam Á, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên, do gặp hàng loạt vướng mắc nên tháng 11-2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
TTO - Hai phương án dừng và tạm dừng khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh sẽ được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới.