Ngày 26/11/2021, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã đặt tên biến thể B.1.1.529 là Omicron dựa trên những nghiên cứu về khả năng lây lan của nhóm TAG-VE về chủng này. Cho đến thời điểm hiện tại, dưới đây là những thông tin mà WHO biết về Omicron đăng tải trên trang web chính thức.
1. Khả năng lây lan
Hiện các nhà nghiên cứu Nam Phi và trên thế giới vẫn đang tìm hiểu về biến chủng mới với 2 hướng đi chính:
-Tốc độ lây: Hiện vẫn chưa rõ liệu Omicron có lây lan nhanh hơn các biến chủng khác như Delta hay không. Số ca dương tính với Omicron ngày một tăng tại Nam Phi nhưng các nhà khoa học chưa xác minh được là do biến chủng này tự lây hay còn nguyên nhân nào khác.
-Độ nguy hiểm: Hiện chưa rõ liệu Omicron có gây nguy hiểm hơn các biến chủng khác như Delta hay không. Dù số liệu cho thấy số ca nhập viện tại Nam Phi tăng lên nhưng nguyên nhân có thể do tốc độ lây nhiễm chung chứ không phải riêng Omicron. Theo WHO, chưa có bằng chứng nào cho thấy những bệnh nhân nhiễm Omicron có triệu chứng khác với những người nhiễm biến chủng khác.
Các báo cáo nhiễm bệnh ban đầu tại Nam Phi cho thấy những bệnh nhân đầu tiên là sinh viên trẻ, vốn thường có các triệu chứng trở nặng bất ngờ hơn và việc hiểu rõ về nguyên nhân, cơ chế của Omicron sẽ cần nhiều ngày hay nhiều tuần.
2. Tái nhiễm
Theo WHO, có những bằng chứng cho thấy rủi ro tái nhiễm cao với biến thể Omicron so với các biến thể khác. Thậm chí những người từng dương tính với Sars nCov-2 có thể dễ dàng tái nhiễm với biến chủng này, tuy nhiên các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm.
-Hiệu quả của vaccine: Hiện WHO vẫn đang nghiên cứu nhưng rõ ràng việc tiêm chủng là cần thiết hiện nay bởi vaccine có thể ngừa được các biến thể khác cũng như giảm tỷ lệ lây lan. Hiện Nam Phi mới chỉ có 35,6% người dân tiêm phòng đầy đủ 2 mũi và còn rất nhiều người coi thường dịch bệnh. Tình hình này đã buộc Tổng thống Cyril Ramaphosa xem xét đến quy định tiêm chủng bắt buộc, điều vốn đã được nhiều nước làm từ lâu.
-Hiệu quả xét nghiệm: WHO cho biết việc dùng xét nghiệm PCR vẫn hiệu quả phát hiện các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron, nhưng họ đang nghiên cứu liệu những biện pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh khác có còn chính xác không.
-Hiệu quả điều trị: Một số thuốc như Corticosteroids và IL6 Receptor Blockers vẫn hiệu quả khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Omicron, nhưng các phương pháp điều trị khác thì chưa được kiểm chứng.
Hiện WHO đang tích cực nghiên cứu và cập nhật thông tin hàng ngày kể từ ngày 26/11/2021 về biến thể Omicron. Cho đến thời điểm hiện tại WHO vẫn khuyến cáo người dân nên cảnh giác, tuân thủ các biện pháp an toàn phòng dịch.
3. Ca mới
Theo hãng tin Reuters, biến thể Omicron đã được phát hiện thêm ở Hà Lan, Đan Mạch và Australia bất chấp nhiều nước siết chặt các biện pháp giãn cách.
Các quan chức Hà Lan cho biết 13 trường hợp nhiễm Omicron đã được phát hiện trên 2 chuyến bay từ Nam Phi đến thủ đô Amsterdam. Khoảng 600 hành khách nữa cũng đã được xét nghiệm và tìm ra 61 người dương tính nhưng chưa rõ có phải biến thể Omicron hay không.
"Đây có thể chỉ là bề nổi của một cơn khủng hoảng", Bộ trưởng y tế Hugo de Jonge nói.
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Omicron đã xuất hiện ở hàng loạt quốc gia như Australia, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Israel, Italy, Hà Lan, Pháp, Canada, Đan Mạch...
Thông tin trên đã khiến thị trường chứng khoán và dầu mỏ lao dốc vài phiên trở lại đây.
Tuy nhiên Chủ tịch hiệp hội bác sĩ Nam Phi (SAMA), bà Angelique Coetzee, đồng thời là một trong những người phát hiện ra Omicron cho biết những bệnh nhân thuộc chủng này không giống với chủng Delta trước đây. Cho đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường mất vị giác hay khứu giác nào. Thậm chí chưa có ai mắc Omicron mà bị giảm nồng độ oxy trong máu.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.52295344192111202-morcimo-eht-neib-ev-ohw-auc-tahn-iom-tahn-pac-gnuhn/nv.zibefac