Như Thanh Niên thông tin, tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam mới đây, Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp, báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước 8 vấn đề lớn. Một trong những vấn đề được người lao động (NLĐ) mong mỏi là điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.
Theo đó, đoàn viên, công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14): "Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với NLĐ thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp", hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của NLĐ khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (DN) (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để NLĐ nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Xu hướng tiến bộ
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ, cho rằng giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần là hợp lý. "Chúng ta đâu phải người máy mà làm việc hoài không biết mệt. Tôi nghĩ việc giảm giờ làm là cách để tái tạo sức lao động, giúp tư duy sáng tạo được cởi mở hơn. Thà thời gian làm ngắn lại nhưng chất lượng lao động được nâng cao chứ kéo dài thời gian mà NLĐ ù lì, mệt mỏi thì năng suất cũng không đạt được kết quả như mong đợi", BĐ Minh Khang ủng hộ.
Cùng quan điểm, BĐ Võ Trí ý kiến: "Tôi cũng ủng hộ việc giảm giờ làm cho NLĐ. Đây là xu hướng tiến bộ của thế giới. Thực tế cho thấy nhiều nơi năng suất lao động vào ngày thứ bảy không thật sự cao, thậm chí nhiều người còn đối phó chứ không hết mình với công việc. Thay vào đó, việc để NLĐ nghỉ ngơi cũng là cách để tái tạo năng lượng, giúp hiệu quả công việc trong tuần cao hơn".
Còn BĐ Hòa Hiệp viết: "Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn về chất lượng thay vì số lượng. Nếu giờ làm tăng nhưng năng suất không đảm bảo thì vừa phí thời gian của NLĐ, vừa tốn chi phí điện, nước... của DN. Chưa kể việc tăng giờ nghỉ cũng là cách giúp NLĐ chăm sóc sức khỏe, tinh thần để đảm bảo năng suất công việc".
"Đừng nghĩ rằng việc giảm giờ làm là hình thức tăng lương cho NLĐ. Nhìn thoáng ra thì đây là cách để tiết kiệm chi phí cho DN. Bởi những ngày cuối tuần đôi khi đi làm chỉ là cách để đối phó, năng suất không cao. Thay vào đó, tại sao chúng ta không tìm cách nâng cao hiệu quả làm việc trong tuần?", BĐ Gia Phong ý kiến.
Giảm giờ làm tăng hiệu suất công việc
Cho rằng giảm giờ làm dưới 48 tiếng mỗi tuần là cần thiết, BĐ Vũ Sáng phân tích: "NLĐ được nghỉ nhiều hơn sẽ có thời gian tiêu dùng. Khi đó lại kích thích các ngành dịch vụ phát triển. Thay vì lo lắng việc giảm năng suất, đã đến lúc DN tính đến việc thay đổi các thiết bị hiện đại giúp hiệu quả công việc được đảm bảo. Khi sức cạnh tranh cao thì NLĐ phải nâng cao trình độ, từ đó góp sức nhiều hơn cho DN".
Tương tự, BĐ Thái Bình cho rằng: "Với tôi, 40 giờ/tuần là con số hợp lý để NLĐ vừa đảm bảo năng suất làm việc, vừa có thời gian nghỉ ngơi. Thay vì lo lắng, DN cần có những biện pháp để tạo ra sức cạnh tranh, khiến NLĐ nâng cao năng suất trong 40 giờ làm việc đó. Việc giảm giờ làm sẽ tạo điều kiện để NLĐ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Từ đó gián tiếp kích thích các ngành dịch vụ phát triển".
"Đã đến lúc vấn đề sử dụng lao động cần được nhìn nhận nghiêm túc, phải tập trung vào hiệu quả công việc thay vì thời gian làm việc. Tôi tin rằng khi NLĐ được nghỉ ngơi nhiều hơn thì sức lực, năng lượng được tái tạo và phục vụ cho công việc sẽ hiệu quả hơn", BĐ Phương Hà ý kiến.
Rất đồng ý vì khu vực công đã thực hiện cách nay 24 năm, khu vực tư nên giảm xuống 44 giờ/tuần và tiến tới năm 2030 giảm xuống còn 40 giờ/tuần là phù hợp.
Tuong
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc giảm thời gian lao động để mọi người nghỉ ngơi nhiều hơn. Giai đoạn này các DN cần đánh vào chất lượng, hiệu quả công việc thay vì mang tư tưởng để thời gian lao động kéo dài nhưng thực tế năng suất lại không như mong đợi.
Xuân Huy