Trưa 1/3/1989, ở một khu vực mà hầu hết cư dân là góa phụ cao tuổi thuộc vùng ngoại ô Mosman bang New South Wales, hai chàng trai vừa bước ra khỏi thang máy tầng trệt của khu dưỡng lão bỗng thấy bà Gwendolin Mitchelhill, 82 tuổi với vết thương trên đầu, đang cố bò đến cửa an ninh. Hai chàng trai vội vàng gọi xe cấp cứu.
Ban đầu, ai cũng tin cụ bà đã bị ngã và đập đầu vào đâu đó. Khi kiểm tra các vết thương, bác sĩ kết luận nạn nhân không chỉ đơn giản là bị ngã. Vết thương ở đầu và những chiếc xương sườn bị gãy do ngoại lực tác động. Bà Gwendolin qua đời không lâu sau đó.
Trong túi của nạn nhân, chiếc ví biến mất. Cảnh sát xác định đây là vụ giết người, cướp của. Tuy nhiên, không dấu vết nào được để lại tại hiện trường, nhân chứng cũng không có ngoài hai chàng trai. Cảnh sát hiểu rằng họ đang phải đối mặt với một tên tội phạm khôn ngoan.
Hơn 2 tháng sau, ngày 9/5/1989, một người dân đi vứt rác đã phát hiện thi thể bà Winfreda Ashton, 84 tuổi trước cổng nhà. Bà nằm úp, giày và gậy được đặt cách đó không xa và cũng như trường hợp của bà Gwendolin, túi xách bị mất.
Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy, bà Winfreda có vết bầm tím lớn ở đầu, vai được gây ra bởi những cú đánh mạnh bằng vật cứng trong khi 5 chiếc xương sườn trái cũng bị gãy. Tuy nhiên lần này, cái chết của bà Winfreda do ngạt thở.
Cảnh sát nghi ngờ hung thủ nhắm vào các nạn nhân là người già, sống ở cùng khu vực và giết hại theo cùng một cách, ngay lối vào nơi ở của nạn nhân và tất cả đều bị cướp ví. Hồ sơ còn được gửi tới FBI với hy vọng giúp tìm ra manh mối.
Ngày 18/10/1989, thêm một nữ nạn nhân cao tuổi bị tấn công song điều kì diệu đã xảy ra khi nạn nhân sống sót. Song, do mắc chứng Alzheimer, bà mô tả mơ hồ hình dạng của thủ phạm khiến các điều tra viên khó phá án.
Trong lúc dư luận lại tiếp tục hoang mang thì nạn nhân thứ tư, thứ năm và thứ sáu xuất hiện cách nhau chưa đầy 24h, đều là những phụ nữ tuổi ngoài 80, cùng bị sát hại với chiếc quần lót siết cổ. Các thám tử kinh nghiệm nhất bang New South Wales được tập hợp để cùng điều tra.
Và cuối cùng dịp may đã đến với các điều tra viên vào ngày 11/1/1990 khi hung thủ phạm một sai lầm nghiêm trọng. Hôm đó, người đàn ông với bộ đồng phục của người đại diện một hãng bánh đi vào một phòng thuộc Bệnh viện Greenwich, nơi có 4 cụ bà ốm yếu nằm trên giường. Ông ta bước đến giường và sàm sỡ bà Daisy, bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối. Nạn nhân hốt hoảng bấm chuông báo động ở đầu giường và một nữ y tá lập tức chạy đến.
Kẻ đột nhập vội vã bỏ trốn nhưng cô này đã kịp ghi số xe và gọi cho cảnh sát. Trong quá trình kẻ đột nhập bỏ chạy, một số nhân viên khác tại bệnh viện đã nhận diện và biết tên người này bởi từng đến đây nhiều lần để quảng cáo bánh. Đó chính là John Glover, nhân viên bán bánh, đã lập gia đình và có hai con gái.
Cảnh sát đã nhanh chóng yêu cầu John tới thẩm vấn về vụ tấn công bà Daisy hôm 13/1. Tuy nhiên vợ John gọi báo cảnh sát chồng cô đã cố gắng tự tử và phải nhập viện. Đến ngày 18/1, cảnh sát đến bệnh viện để thẩm vấn John và người đàn ông này đã phải miễn cưỡng đồng ý cho chụp tấm ảnh để cảnh sát đưa cho y tá và bà Daisy nhận diện. Kết quả, hắn chính là kẻ có hành vi sàm sỡ.
Lúc này đây, các điều tra viên tin rằng John có thể liên quan hàng loạt vụ sát hại cụ bà trước đó nhưng hắn phủ nhận. Cảnh sát vờ chấp nhận lời khai này và thả cho về nhưng thực chất 6 thám tử đã được cử theo dõi.
Những ngày sau đó, thám tử nhận thấy thỉnh thoảng hắn dừng lại để nói chuyện với những phụ nữ lớn tuổi nhưng với một thái độ rất tử tế và thân thiện.
Đến ngày 19/3, John đến nhà bà Joan Sinclair lúc 10h. Hai người vốn có mối quan hệ thân thiết từ trước nên nhóm thám tử đã mắc sai lầm khi không mấy cảnh giác mà tiếp tục quan sát mọi góc cạnh của căn nhà này. Tuy nhiên, đến gần trưa họ chẳng thấy bóng dáng John đâu và cũng không nhận thấy bất cứ sự di chuyển nào bên trong căn nhà. Nhóm cảnh sát theo dõi bắt đầu lo lắng và quyết định xông vào nhà.
Ngay khi vào cửa, các thám tử đã nhìn thấy vũng máu dưới sàn, một chiếc búa nằm giữa vũng máu đang khô trên thảm. Xác bà Joan ở sau nhà, với chiếc quần siết cổ.
Cảnh sát ngay lập tức bắt John. Những người quen biết và cả vợ con hắn đều gần như chết đứng khi biết tin. Họ không thể tin được John lại chính là "sát nhân đồ lót" khét tiếng trong khi thường ngày ông ta sống kín tiếng và chăm lo gia đình.
Theo điều tra của cảnh sát, John nghiện bài bạc và cách dễ nhất để hắn có tiền nhằm trang trải cho thói quen tốn kém này là ăn trộm. Hắn chọn nạn nhân là người già không có khả năng phòng vệ trước gã đàn ông lực lưỡng.
Những vụ hắn gây ra không có động cơ tình dục nhưng cố tình sử dụng tạo hiện trường để cảnh sát lầm tưởng do một kẻ tội phạm tình dục thực hiện.
Các nhà tâm lý học còn phân tích rằng hắn lựa chọn ra tay với các cụ bà là bởi từng sống với người bà cay nghiệt và dữ dằn ngay từ nhỏ, có lẽ vì những ám ảnh tuổi thơ mà hắn đã nuôi lòng thù hận.
Phiên xử John diễn ra vào tháng 11/1991. Bị cáo phủ nhận tội giết người với lý do bị điên loạn khi thực hiện các vụ án mạng.
Tòa án không chấp nhận lời biện hộ này, tuyên hắn bản án chung thân không ân xá.
Ngày 9/9/2005, sau hơn 10 năm sống trong tù tuyệt vọng trước viễn cảnh sẽ không bao giờ được tự do, John treo cổ, khép lại một trong những vụ án tồi tệ và kinh hoàng nhất trong lịch sử tội phạm Australia.
Hoàng Phong (Theo Murderpedia, Daily Mail, The Age, Crime History)
Xem thêm: lmth.0135934-ailartsua-gnod-gnur-yag-tol-od-uht-tas-na-uv/ten.sserpxenv