Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11 tăng mạnh
Sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19,” nền kinh tế đã chứng kiến sự phục hồi trong các hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11 đã tăng khả quan hơn so với tháng 10, cả về số doanh nghiệp (tăng gần 47%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30%). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng cũng tăng 15% so với tháng trước.
Cụ thể, cả nước có 11.900 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký gần 150.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76.600 lao động đồng thời có trên 4.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 105.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 1,45 triệu tỷ đồng, với tổng số lao động 784.000 người, giảm tương ứng 15%; gần 23% và 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả 2,2 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi vốn, hiện tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng xấp xỉ 3,7 triệu tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nền kinh tế cũng ghi nhận 40.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp vào thị trường trong 11 tháng lên 146.000 nghiệp và giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bình quân một tháng có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng này đã tăng 0,9% so với tháng trước, với 3.500 công ty và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm vào đó, cả nước ghi nhận 4.642 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng tương ứng 52% và 3,8%, 1.256 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng tương ứng 56% và giảm 36%.
Tính chung 11 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52.000 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ và gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%, 14.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm gần 4% (trong đó có 13.200 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, 184 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng).
Bình quân mỗi tháng, cả nước có gần 9.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
11 tháng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5%
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2021 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,16 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,74 tỷ USD, tăng 3,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2021, tăng 18,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 30%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 14,7%.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.
Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 89%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4% và chiếm 7,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5% và chiếm 2,7%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,5%
Theo như thống kê của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm;
Riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Hương Anh (tổng hợp)