Khi đặt tên cho biến thể mới của virus corona, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn sử dụng các ký tự trong bảng chữ cái Hy Lạp để công chúng dễ hiểu hơn về sự tiến hóa của nó: Alpha, Beta, Gamma, Delta…
Bảng chữ cái Hy Lạp
Một số biến thể xuất hiện sau Delta đều được chứng minh là ít lây nhiễm hơn Delta. Nhưng đến khi đặt tên cho biến thể mới có khả năng gây nguy hiểm xuất hiện ở Nam Phi, một số vấn đề đã nảy sinh.
Chữ cái tiếp theo trong bảng chữ cái là Nu, mà các quan chức WHO cho rằng quá dễ nhầm lẫn với từ "New" (tức là "Mới").
Chữ cái tiếp theo còn rắc rối hơn. Mặc dù phát âm khác nhau, nhưng cách viết tiếng Anh của Xi chính xác là phiên âm tiếng Trung họ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping).
Vì vậy, WHO đã bỏ qua hai chữ cái này và đặt tên cho biến thể mới là "Omicron".
Người phát ngôn của WHO Tariq Jasarevich cho biết trong một email hôm thứ bảy 27/11: "Nu dễ nhầm với New và chúng tôi không chọn Xi vì đó là một họ phổ biến".
Ông Jasarevich cũng nói, rằng chính sách của WHO yêu cầu "tránh xúc phạm bất kỳ nền văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hoặc dân tộc nào".
Ban đầu, tổ chức này không giải thích lý do tại sao khi đặt tên lại nhảy từ biến thể Mu - có tính đột biến nhỏ, được ghi nhận lần đầu tiên tại Colombia - sang Omicron. Điều này khiến mọi người đồn đoán về lý do. Một số người được thể lại chỉ trích WHO vì đã quá "cung kính" trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Tên khoa học của biến thể mới của SARS-CoV-2 là B.1.1.529. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có quyền quyết định trong việc đặt tên của biến thể mới này.
Một số biến thể đã được chứng minh là có khả năng lây nhiễm thấp, nhưng Omicron có thể là biến thể mới đáng lo ngại nhất kể từ khi biến thể Delta được phát hiện.
Nhiều nước châu Âu đã ngừng các chuyến bay với Nam Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron. Ảnh: Getty
Trước đây, việc sử dụng địa danh để đặt tên cho các mối đe dọa về sức khỏe là rất phổ biến: cúm Tây Ban Nha, virus Tây sông Nile, hội chứng hô hấp Trung Đông, virus Zika và virus Ebola.
Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, WHO đã cố gắng tránh cách đặt tên này, để giảm thiểu nguy cơ kỳ thị đối với một địa điểm hoặc một cộng đồng dân cư. Nhưng trong vài tháng đầu tiên của đại dịch, điều này cũng bị coi là quá "cung kính" đối với Trung Quốc, vì quốc gia này rất có ảnh hưởng đến các vấn đề y tế toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ thành phố Vũ Hán - miền trung Trung Quốc - vào cuối năm 2019 và các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận trước việc mọi người gán ghép đại dịch với Vũ Hán.
Những người chỉ trích Trung Quốc cứng rắn nhất từ phía Mỹ - bao gồm cả Tổng thống lúc đó Donald Trump và các phụ tá của ông - vẫn nhấn mạnh vào sự liên quan này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào thời điểm đó cho biết: "Virus corona đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người và cần phải hợp tác để đối phó với nó, thay vì gieo rắc nỗi sợ hãi theo cách bài ngoại".