Sáng 29/11, tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về hai luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ hai, Phó viện trưởng thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép "tạm đình chỉ" việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Khoản 1 Điều 229, Điều 247 cũng cho phép bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn; hay không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Theo ông Tiến, nội dung sửa đổi nói trên nhằm đáp ứng tình hình thực tế. Thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương, diễn biến phức tạp của Covid-19. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện triệt để giãn cách, cách ly khiến việc khởi tố, điều tra, truy tố gặp khó khăn.
Nhiều vụ án bị trì hoãn do không thể phúc cung, lấy lời khai, đối chất, tiến hành các thủ tục trợ giúp pháp lý; không thể yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, trưng cầu giám định hoặc yêu cầu định giá tài sản...
Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ. Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng Hình sự cũ không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh". Điều này dẫn đến không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định.
Mặt khác, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều đó có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
"Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới", ông Tiến nói.
Bộ Luật Tố tụng Hình sự được sửa đổi, bổ sung còn cho phép công an xã có thẩm quyền "tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ" đối với tin báo trước khi chuyển cơ quan điều tra, tương đương với nhiệm vụ của đơn vị cùng cấp là công an phường, thị trấn, đồn công an.
Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 cũng được sửa đổi, bổ sung nội dung nêu trên.
Luật sửa đổi cũng quy định "chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết", theo khoản 1 Điều 155.
Bộ luật có hiệu lực từ 1/12.
Xem thêm: lmth.8895934-hneb-hcid-od-yl-iv-us-hnih-na-uv-ihc-hnid-eht-oc/ten.sserpxenv