Anh điều hành toàn bộ phạm vi công việc tại Philippines, từ đấu thầu, thiết kế, thi công xây dựng, cho đến quản lý nhân sự, tài chính.
Vì sao là một kỹ sư vừa tốt nghiệp anh có thể đảm nhận vị trí công việc cao như vậy?
Tôi cũng nhận được những câu hỏi tương tự vào thời điểm đó, nhiều bạn cùng lớp còn đồn với nhau rằng gia đình tôi có quen ông chủ công ty, nên tôi vừa tốt nghiệp đã được làm Giám đốc chi nhánh nước ngoài (cười).
Gia đình tôi đều theo nghề giáo, và không liên quan gì đến việc đi làm của tôi.
Tôi đã đi làm toàn thời gian một năm trước khi chính thức tốt nghiệp đại học, thời điểm đó ban ngày tôi đi làm ở công ty, tối về làm bài ở trường, ngày nào cũng đến hơn 3 giờ sáng tôi mới ngủ. Các buổi có tiết học thì tôi xin nghỉ phép ở công ty để đến lớp, để duyệt luận văn.
Có thể vì nhận thấy sự nhiệt huyết, khả năng sắp xếp tốt cả việc học và việc làm, cùng nhiều kỹ năng mềm tôi đã tích luỹ trong suốt năm năm đại học như kỹ năng thuyết trình, kiến thức về phân tích tài chính, dự toán, quản lý dự án và tiếng Anh chuyên ngành, nên tôi đã được công ty tin tưởng cho đảm nhận vị trí Giám đốc CN tại Philipines vào năm 23 tuổi.
Anh có thể chia sẻ thêm về thời gian làm việc tại Philippines?
Tôi đã để lại dấu ấn đẹp về người Việt Nam trong hơn 40 công trình lớn nhỏ với nhiều thể loại từ nhà xưởng công nghiệp, nhà chứa máy bay, đến shopping mall, bệnh viện, nhà xe nhiều tầng,… khắp đất nước Philippines do chính tôi điều hành, quản lý từ đầu đến khi công trình hoàn thiện. Đó là một niềm tự hào lớn, vì các nhân viên người bản địa và nhiều đối tác, họ chưa gặp trực tiếp người Việt Nam nào trước khi gặp tôi. Nên trong thời gian làm việc tại Philippines, tôi luôn tự hào khi giới thiệu "I’m Vietnamese".
Anh Huỳnh Kim Thịnh (bìa phải) điều hành thi công tại dự án khai thác quặng Niken, Philippines.
Với tương lai phát triển tốt như vậy, vì sao anh lại trở về Việt Nam?
Thật ra lúc trở về Việt Nam, tôi nhận nhiệm vụ mới là phát triển thị trường quốc tế tại: Trung Đông, Bangladesh, Malaysia, Đài Loan. Đây là triển vọng cho tương lai cá nhân tôi về mọi mặt. Tôi cũng cảm nhận được sự ưu ái, trọng dụng từ công ty dành cho tôi. Tuy nhiên sau một thời gian tiếp tục các công tác tại nước ngoài, tôi thường xuyên nghĩ về hoài bão của mình khi còn là sinh viên: "Định danh Việt Nam trên bản đồ thế giới". Nên tôi đã quyết định rời ngành xây dựng và thành lập Học Viện VSE, để thực hiện hoài bão này.
Vì sao anh lại thành lập một cơ sở đào tạo để thực hiện hoài bão?
Yếu tố con người luôn là quan trọng nhất cho mọi sự phát triển. Từ những trải nghiệm công việc, tôi tin rằng khả năng của kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đáp ứng tốt yêu cầu thị trường quốc tế về chuyên môn. Tuy nhiên, về kỹ năng làm việc quốc tế và ngoại ngữ vẫn còn rất hạn chế. Chính vì không thạo ngoại ngữ, đã làm rào cản cho sự phát triển của chúng ta. Vì vậy, tôi thành lập VSE Institute (Học Viện VSE) là một cơ sở chuyên về kỹ năng cho lĩnh vực kỹ thuật. Cũng có thể nói đây là nơi tiên phong tại Việt Nam phát triển kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật. Tôi tin rằng khi nguồn nhân lực kỹ thuật Việt Nam được trang bị đầy đủ kỹ năng về ngoại ngữ chuyên ngành sẽ thúc đầy nền kỹ thuật Việt Nam vươn ra mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Dịch Covid gây ảnh hưởng lớn cho các doanh nghiệp, dù nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn liên tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên và cộng đồng?
Đúng thật là chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi đã khó thì các em sinh viên còn khó hơn. Nên trong năm qua chúng tôi đã trích nguồn ngân sách của VSE Institute, kết hợp cùng những đối tác trong ngành thực hiện các chương trình tài trợ học bổng tài chính và học bổng học thuật cho các sinh viên có thành tích học tập tốt tại các trường đại học Tp.HCM.
Đồng thời, sau đợt giãn cách dài vừa rồi tại TP.HCM, tôi đã cho phát triển Thư viện cộng đồng VSE (được quản lý bởi VSE Institute), với mong muốn tạo môi trường đọc sách dễ tiếp cận nhất cho tất cả mọi người, nâng cao văn hoá đọc và duy trì thói quen đọc sách của người dân thành thị trong thời đại hiện nay.
Tôi hy vọng những chương trình này sẽ đóng góp một phần trong công cuộc phát triển cộng đồng kỹ thuật nước nhà, thúc đẩy sự phát triển nền kỹ thuật Việt Nam ra thị trường quốc tế, từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.66794148003111202-et-couq-uac-uey-tot-gnu-pad-man-teiv-us-yk/nv.zibefac