Phần lớn người chạy xe ba bánh đều kiếm sống qua ngày, cần tạo điều kiện chuyển đổi nghề trước khi cấm lưu hành xe ba bánh - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 29-11, có mặt tại đường Lê Văn Thọ, đoạn cầu Trường Đai (giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12) chỉ khoảng 1 giờ, phóng viên ghi nhận có hàng trăm lượt xe ba gác di chuyển qua lại. Có những xe chở cả chục tấm tôn, thanh sắt có độ dài gấp đôi thân xe lù lù tiến qua giao lộ.
Người dân "chuộng" vì tính cơ động
Cũng chính việc xe ba gác chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan chức năng TP phải lên kế hoạch "khai tử" loại xe quen thuộc, vốn gắn liền với đời sống nhiều gia đình này.
Cụ thể, từ tháng 7-2021 UBND TP chấp thuận đề xuất của Sở GTVT, giai đoạn 2021 - 2022 cấm các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực nội ô TP thời gian 5h - 13h và 16h - 22h hằng ngày. Đối với một số đoạn tuyến quốc lộ 1, 1K, 13, 22, 50, xa lộ Hà Nội..., thời gian cấm các loại xe trên lưu thông trong khoảng 6h - 8h và 16h - 19h.
Giai đoạn 2022 - 2025 vẫn giữ nguyên vành đai hạn chế xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong nội ô TP. Tuy nhiên, sẽ điều chỉnh mở rộng thời gian cấm từ 5h - 22h.
Giai đoạn sau năm 2025, TP.HCM sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh trên địa bàn TP.HCM.
Ông Đ.T. (53 tuổi), chạy xe ba gác khu vực công viên làng hoa quận Gò Vấp, chia sẻ: "Về chuyện TP chủ trương hạn chế, cấm xe ba gác, tôi có nghe nhiều lần nhưng vì cuộc sống, mình vẫn phải tiếp tục làm. Cái nghề này nó gắn liền với tôi gần 20 năm nay, mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ chiếc ba gác thì làm sao mình bỏ nghề được. Anh em tài xế chỉ dám chạy ở các tuyến đường ngoại ô, chứ không dám vào trung tâm TP. Nếu chạy xe tải thì phải học bằng lái mới và cần thêm tiền để mua xe, chúng tôi là những người lao động bình thường nên không đủ điều kiện để chuyển đổi".
Theo anh Nguyễn Thuận (32 tuổi ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú), đa số người chạy xe ba gác đều thuê tiệm đóng theo yêu cầu nên không có giấy tờ. "Tài xế nào có vốn thì thuê tiệm có tay nghề cao đóng với khung xe dày dặn, có khả năng vận chuyển lên đến hàng tấn. Còn tài xế ít vốn hơn thì đóng xe nhỏ, tải trọng thấp, thường tốn khoảng 25 triệu đồng. Thậm chí nhiều người chỉ mua lại xe ba gác cũ với giá hơn 10 triệu đồng" - anh Thuận chia sẻ.
Anh Thuận kể trong 3 năm hành nghề, anh đã 2 lần bị cơ quan chức năng tịch thu xe và những lần bị phạt tiền không nhớ hết. "Những chuyến hàng tôi chạy được 100.000 - 200.000 đồng tiền công, nhưng không may bị phạt có khi phải mất mấy triệu. Những lần như vậy coi như tháng đó thất thu, có những tháng chỉ chạy được mấy ngày, thêm chi phí ăn uống nữa, khổ lắm!" - anh Thuận nói.
Siết quản lý, cấm theo lộ trình
Đại diện Phòng quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) cho biết từ năm 2013, TP.HCM đã từng bước cấm xe thô sơ 3, 4 bánh. Song song đó, TP cũng có chính sách hỗ trợ tiền để người dân mưu sinh bằng loại xe này chuyển đổi nghề nghiệp. Thế nhưng, sau khi được nhận tiền hỗ trợ, nhiều người vẫn tiếp tục quay lại nghề cũ. Đó là chưa kể, khi TP không cấp phép cho loại xe này thì các tỉnh thành lân cận vẫn cấp phép nên người dân đăng ký xe ở các tỉnh này rồi lại mang xe vào TP hoạt động khiến lượng xe tiếp tục tăng lên.
Sở GTVT nhìn nhận hiện nhu cầu sử dụng xe thô sơ 3 - 4 bánh trên địa bàn khá cao do tính cơ động và thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng. Loại phương tiện này là lựa chọn tối ưu của người dân khi cần chở hàng vào đường nhỏ, đường hẻm, đường cấm xe tải. Chưa kể thời gian qua dịch COVID-19 hoành hành nên việc siết chặt để dần chấm dứt hoạt động loại xe này có thể không nhận được sự ủng hộ của người dân đang sử dụng để mưu sinh.
Do đó, mới đây Sở GTVT đã đề xuất TP chưa mở rộng khung thời gian cấm đối với xe thô sơ 3, 4 bánh. Cụ thể, từ năm 2022 vẫn giữ quy định cấm các loại xe này hoạt động theo vành đai cứng và theo khung giờ như hiện tại, thay vì sẽ mở rộng thời gian cấm từ 5h - 22h hằng ngày như lộ trình đã định. Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm nhằm giảm bớt lượng xe thô sơ ra vào khu trung tâm, hướng tới mục tiêu cấm hoàn toàn vào năm 2025.
Cần tiếp tục rà soát và có lộ trình thích hợp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP.HCM - khẳng định việc TP xác định lộ trình cấm xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh từ năm 2025 là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên từ nay đến đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát tình hình để đưa ra lộ trình thích hợp. Trước mắt sẽ cấm ở một số khu vực, theo tuyến, vành đai, khung giờ hợp lý và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song đó, TP cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, chuẩn bị tâm lý cho những người nghèo đang sử dụng xe 3 - 4 bánh làm phương tiện mưu sinh.
TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh trên địa bàn TP.HCM.
Xem thêm: mth.82624308003111202-iot-iht-gnouv-gnouht-iht-ob-hnab-4-3-os-oht-ex/nv.ertiout