Tàu Cát Linh - Hà Đông (Trung Quốc sản xuất)
Tàu của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông do công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất. Mỗi đoàn tàu có 4 toa với sức chứa 1362 hành khách. Tàu có màu sắc chủ đạo là xanh lá cây, tạo cảm giác trẻ trung, năng động và thân thiện với môi trường.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1 km và có 12 ga.
"Tốc độ khai thác bình quân của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khoảng 35 km/h (tốc độ thiết kế tối đa 80 km)", ông Trường cho hay.
Về tốc độ 35 km/h, ông Trường cho biết đây là tốc độ trung bình, gấp đôi tốc độ xe buýt thường (16-18 km/h).
Cũng theo vị này, tốc độ 35 km/h là tốc độ di chuyển bình quân khi khai thác bởi lẽ tàu phải dừng điểm đầu cuối, dừng đón khách ở các ga. "Khi khai thác, tàu cần thời gian gia tốc, giảm tốc, dừng đón khách".
Tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Hùng
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp lý về tốc độ tàu Cát Linh - Hà Đông, TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông ở TP.HCM) cho biết hiện tốc độ đường sắt Bắc Nam khoảng 50-60 km/h, một số đoạn có thể chạy tối đa từ 80-90 km/h.
"Đây là metro đô thị với 13 km và 12 ga, khoảng cách giữa các ga chỉ 1 km nên phải dừng đón khách. Chỉ có tàu cao tốc, chạy đường dài thì mới đạt 200-300 km/h. Tuy nhiên, con số 35 km/h thì hơi chậm", TS Sanh nói.
Tàu Nhổn - Gà Hà Nội (Pháp sản xuất)
Vừa qua, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã chạy thử nghiệm thành công chế độ vận hành tàu tự động tốc độ cao (Automatic mode high speed).
Quãng đường thử nghiệm bắt đầu từ Ga S1 - Nhổn đến Ga S8 - Cầu Giấy và ngược lại. Trong quá trình thử nghiệm, đoàn tàu đã đạt tốc độ tối đa lên đến gần 80 km/h.
Đây là lần thử nghiệm chạy tốc độ cao đầu tiên trong bối cảnh trời mưa phùn của đoàn tàu metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Tàu Nhổn - Gà Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng
Theo đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) hiện nay cả 10 đoàn tàu đã được vận chuyển và tập kết thành công về dự án, trước đó các đoàn tàu đã chạy thử liên động để kiểm tra, căn chỉnh kỹ thuật. Các bước chạy thử đều thành công.
Dự án có 10 đoàn tàu do tập đoàn Altstom (Pháp) sản xuất. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chứa 850-950 khách. Tàu được sơn màu vàng, đỏ và ghi xám lấy cảm hứng từ quả thanh long và màu xanh lá mạ.
Tàu Bến Thành - Suối Tiên (Nhật Bản sản xuất)
Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của Nhà thầu Hitachi là phía phụ trách đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở TP.HCM.
Chiều dài đoàn tàu 3 toa xe là 61,5m; 6 toa xe là 121,5m. Chiều dài toa xe (không tính mốc nối): trung bình từ 19,5 m – 20,5m.
Tàu Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Việt Hùng - Hải Long
Thân đoàn tàu được làm bằng hợp kim nhôm với 2 loại: ban đầu sẽ là đoàn tàu 3 toa xe, sau đó trong tương lai sẽ là đoàn tàu 6 toa xe. Riêng tàu 3 toa xe chở được 147 khách ngồi, 783 khách đứng, tổng cộng: 930 khách, diện tích số người đứng trung bình 8 người/m2.
Tốc độ tối đa thiết kê là 110km/h đoạn trên cao và 80km/h đoạn hầm. Chiều cao toa xe (từ đỉnh ray đến hệ thống điều hòa không khí) là 4,08m. Chiều cao toa xe (từ đỉnh ray đến mui xe) là 3,655 m. Tải trọng trục lớn nhất là 16 tấn.
Buồng lái được bố trí ở hai đầu của đoàn tàu. Tại mỗi buồng lái đều có bộ ghi dữ liệu để ghi lại các thông tin như tốc độ, phương thức điều khiển để phục vụ mục đích điều tra khi có sự cố.
Tổng hợp
Theo T.Hà
Doanh nghiệp và Tiếp thị