Ngành bán lẻ nhanh chóng lấy lại đà hồi phục ngay khi mở cửa lại kinh tế - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021) nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định trong giai đoạn đầy thử thách do tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua.
Top 4 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vẫn được giữ nguyên như năm ngoái với những cái tên quen thuộc: Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel).
Cũng theo thống kê của bảng xếp hạng VNR500, hầu hết các ngành đều sụt giảm về tổng doanh thu so với bảng xếp hạng năm ngoái, trừ các ngành bán lẻ, thép, tài chính và điện vẫn ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng dương.
Các nhóm ngành chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về tổng doanh thu trong năm qua là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch như vận tải - logistics, khoáng sản, xăng dầu, cơ khí và thực phẩm - đồ uống.
Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế 9 tháng qua thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là "bệ đỡ" vững chắc cho an ninh lương thực quốc gia khi có mức tăng 2,74%, bên cạnh đó là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57% nhưng khu vực dịch vụ lại giảm 0,69%.
Tổng doanh thu của nhóm ngành nông lâm thủy sản có mức tăng đáng kể 25,7%, trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ tương ứng giảm 14,8% và 5,9% so với năm ngoái.
Thống kê từ 270 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 3-2021, cũng ghi nhận có 40,4% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong suốt giai đoạn 2019 - 2020 và 9 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, 23,3% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm nay.
Như vậy, có tới 63,7% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 tăng lên so với cùng kỳ năm trước, đây là dấu hiệu tích cực minh chứng cho những nỗ lực và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp niêm yết trong nhóm 500 trước những biến động kinh tế - xã hội kể từ khi đại dịch xuất hiện.
Ngoài ra, 15,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức doanh thu 9 tháng 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020. Còn lại, 21,1% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với doanh thu giảm 2 kỳ liên tiếp - doanh thu năm 2020 giảm so với năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới đã làm thay đổi nhận thức kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, các doanh nghiệp từ chỗ buộc phải chuyển đổi số sang dần chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi như một xu hướng mới.