10 tháng đầu năm 2021, Agribank là ngân hàng đứng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.996 tỉ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỉ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, duy trì và tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Giảm lãi “khủng” để hỗ trợ khách hàng
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, việc thực hiện cam kết hỗ trợ khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 của 16 NHTM (thông qua Hiệp hội Ngân hàng) đến nay đang được quyết liệt triển khai với tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15.7.2021 đến 31.10.2021 khoảng 15.559 tỉ đồng (tăng 3.323 tỉ đồng so với 30.9.2021 tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết (tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng theo cam kết ước tính 20.613 tỉ đồng). Ngoài ra, Agribank cùng 3 NHTM trong nhóm Big4 tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Thông tư 01 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung của NHNN, với dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại Agribank tính đến 31.10.2021 là 261.439 tỉ đồng, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí với tổng số tiền là 48.118 tỉ đồng, trong đó: Cơ cấu lại nợ (gốc + lãi) là 45.397 tỉ đồng với 15.920 khách hàng; Miễn, giảm lãi 2.721 tỉ đồng với 539 khách hàng, số lãi được miễn, giảm 31 tỉ đồng.
Tạo đòn bẩy phục hồi cho mọi thành phần kinh tế
Ngoài các gói hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của NHNN, Agribank cũng chủ động, triển khai quyết liệt, thiết thực, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thuộc mọi thành phần kinh tế. Đối với chương trình tín dụng ưu đãi 100.000 tỉ đồng dành riêng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tính đến 31.10.2021, doanh số giải ngân của chương trình đã đạt gần 120.000 tỉ đồng, số tiền lãi được giảm khoảng 600 tỉ đồng. Cùng với đó, chương trình tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng do diễn biến dịch COVID-19 áp dụng đối với các khoản vay từ thời điểm 15.7.2021 đến 31.12.2021, tính đến 31.10.2021, tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 1,1 triệu tỉ đồng, Agribank đã thực hiện hỗ trợ đối với 3,1 triệu khách hàng, với số tiền lãi được giảm là 4.760 tỉ đồng.
Thực hiện chính sách tín dụng bổ sung cho khách hàng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (Văn bản 7814/NHNo-TD ngày 01.9.2021), Agribank đã giải ngân được hơn 105 tỉ đồng với 409 khách hàng. Agribank cũng thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19 với doanh số 383.045 tỉ đồng, dư nợ còn lại là 145.480 tỉ đồng với 250.664 khách hàng.
Bên cạnh đó, Agribank vẫn đang tích cực triển khai có hiệu quả nhiều gói tín dụng có lãi suất ưu đãi với tổng giá trị lên tới 270.000 tỉ đồng và 150 triệu USD, bao gồm: Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng FDI với quy mô 5.000 tỉ đồng và 150 triệu USD, doanh số cho vay lũy kế đến nay đạt 3.045 tỉ đồng; Chương trình tín dụng ưu đãi khách hàng lớn với quy mô 35.000 tỉ đồng, đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt 23 tỉ đồng (Ngắn hạn) và 95 tỉ đồng (Trung, dài hạn); Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng XNK với quy mô 15.000 tỉ đồng và 30 triệu USD, doanh số cho vay lũy kế đạt 3.339 tỉ đồng và 185 triệu USD; Chương trình cho vay ưu đãi đối với DNNVV với quy mô 30.000 tỉ đồng đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt 582 tỉ đồng với 97 khách hàng; Chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị với quy mô 20.000 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế đạt 1.351 tỉ đồng với 1.763 khách hàng,…
Đến nay, Agribank là một trong những ngân hàng thực hiện hỗ trợ (lãi, phí) nhiều nhất cho khách hàng. Cùng với toàn ngành ngân hàng, Agribank đang nỗ lực tối đa khắc phục khó khăn, cắt giảm chi phí, lợi nhuận để làm tốt vai trò bà đỡ của khách hàng và là trợ lực cho nền kinh tế sớm phục hồi trong bối cảnh dịch COVID-19.
Xem thêm: odl.033979-gnah-nagn-gnoht-eh-tahn-ueihn-ial-maig-knabirga/et-hnik/nv.gnodoal