Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, với các chính sách hỗ trợ, dự kiến tổng công suất điện sạch gồm điện khí, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 75% công suất toàn hệ thống điện, đóng góp sản lượng khoảng 70% trong tổng sản lượng điện.
Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức chiều 30.11, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, những năm qua, ngành năng lượng phát triển mạnh mẽ từ truyền tải, công suất lắp đặt, phụ tải... Tốc độ trung bình hàng năm tăng tới 10% và Việt Nam những năm gần đây đã phải nhập khẩu điện.
Dự báo tương lai, Việt Nam có thể phải đối diện nguy cơ thiếu hụt điện năng. Vì vậy, ngoài năng lượng hoá thạch thì việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng; điều này sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng, giảm phát thải nhà kính.
"Làm sao để sử dụng hợp lý nguồn năng lượng thì phải áp dụng những công nghệ mới. Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng các nội dung phát triển liên quan công nghệ năng lượng tái tạo", ông Tùng nói và cho biết, Bộ rất cần các nhà khoa học, doanh nghiệp có sự tham mưu, giúp đỡ để các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho phát triển công nghệ năng lượng.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, Quy hoạch Điện VIII sẽ chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.
Với các chính sách hỗ trợ, dự kiến tổng công suất điện sạch gồm điện khí, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 75% công suất toàn hệ thống điện, đóng góp sản lượng khoảng 70% trong tổng sản lượng điện.
"Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang “điện sạch”, cho nên bên cạnh các chính sách để khuyến khích thì công nghệ năng lượng cũng là định hướng phát triển trong tương lai", ông Dũng nói và cho biết, hiện nay điện mặt trời đã phát triển khá nhanh, điện gió cũng đã có sự thể hiện khá ấn tượng trọng năm 2021. Tuy nhiên, chúng ta còn phụ thuộc phần lớn công nghệ nhập khẩu.
Vậy làm sao để chúng ta có thể chủ động hơn trong xây dựng dự án, công nghệ xây lắp, sản xuất các thiết bị, linh kiện tại Việt Nam? Đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần phải tập trung cho nghiên cứu phát triển, từ việc điều tra, kỹ thuật, sản xuất, xây lắp… để từng bước nội địa hóa. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ phát triển năng lượng sinh khối, địa nhiệt, tương lai xa hơn là thủy triều, sóng biển.
Ông Hoàng Tiến Dũng cũng cho hay, để tích hợp lượng lớn năng lượng tái tạo lên lưới điện, ngoài việc phát triển lưới điện thông minh, các công nghệ liên quan đến tích trữ năng lượng cũng là tương lai, định hướng tốt cho doanh nghiệp.
Và khi chúng ta phát triển năng lượng tái tạo ở mức cao thì trong tương lai có thể nghĩ tới việc sản xuất hydro, công nghệ sản xuất tích trữ, lưu trữ hydro.
Xem thêm: odl.214979-neid-gnoht-eh-taus-gnoc-57-meihc-es-hcas-neid/et-hnik/nv.gnodoal