Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với các thách thức để giữ sự đoàn kết lưỡng đảng và lòng dân chung mặt trận ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Sự đoàn kết trong nước về Ukraine mà ông Biden cố gắng giữ vững thời gian qua cho thấy có dấu hiệu lung lay trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ cận kề.
Ứng cử viên Thượng viện J.D. Vance (đảng Cộng hòa) phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Caledonia, bang Ohio (Mỹ) hồi tháng 10, cho rằng Mỹ sẽ phải chấm dứt dòng tiền đổ vào Ukraine. Ảnh: REUTERS |
Ông Biden mất bình tĩnh với ông Zelensky
Đã thành thông lệ từ đầu xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Biden luôn điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mỗi khi Washington thông báo gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev, theo đài NBC News ngày 31-10.
Tuy nhiên, cuộc điện đàm giữa hai ông vào ngày 15-6 diễn ra khác với những cuộc gọi trước đó, NBC News dẫn bốn nguồn tin cho biết về sự việc. Ông Biden vừa nói với ông Zelensky rằng ông vừa bật đèn xanh chi thêm 1 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine thì vị tổng thống Ukraine bắt đầu liệt kê tất cả khoản trợ giúp bổ sung mà Ukraine cần nhưng chưa nhận được. Ông Biden đã mất bình tĩnh, có phần cao giọng với ông Zelensky rằng người Mỹ rất hào phóng và chính quyền của ông cũng như quân đội Mỹ đang nỗ lực để giúp Ukraine.
Theo các nguồn tin, sau cuộc điện đàm có “sự cố” với ông Biden, nhóm của ông Zelensky quyết định cố gắng xoa dịu căng thẳng, kết luận rằng xích mích với Tổng thống Mỹ là không hiệu quả. Ngay trong ngày hôm đó, ông Zelensky đã công khai cám ơn ông Biden về sự hỗ trợ đã hứa. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và Văn phòng tổng thống Ukraine từ chối bình luận về sự việc trên, theo NBC News.
Khi Nga mới phát động chiến dịch quân sự, chính quyền ông Biden bị chỉ trích quá thận trọng trong việc hỗ trợ Ukraine, giờ thì ông lại bị phản đối rằng đang hỗ trợ quá nhiều.
Cũng theo các nguồn tin, trong nhiều tuần trước cuộc điện đàm ngày 15-6, sự thất vọng của ông Biden với ông Zelensky vốn đã gia tăng. Ông Biden và các quan chức chính phủ Mỹ cảm thấy mình đang ưu tiên làm càng nhanh càng tốt chuyện hỗ trợ Ukraine nhưng ông Zelensky chỉ tập trung vào những gì chưa được thực hiện.
Hiện mối quan hệ giữa ông Biden và ông Zelensky đã được cải thiện. Tuy nhiên, theo NBC News, sự mất bình tĩnh của ông Biden phản ánh nhận thức ban đầu của ông rằng sự ủng hộ của cả Quốc hội và người dân Mỹ đối với việc gửi hàng tỉ USD cho Ukraine có thể bắt đầu mờ nhạt.
Như trong bất kỳ cuộc xung đột nào, chúng tôi vẫn cảnh giác với khả năng các thành phần tội phạm và phi nhà nước có thể cố gắng thu mua bất hợp pháp vũ khí từ các nguồn ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ
Rạn nứt lưỡng đảng, lòng dân nản dần
Ông Biden hiện phải đối mặt với sự phản đối từ nhiều thành viên không chỉ từ đảng đối thủ Cộng hòa mà ngay trong nội bộ đảng Dân chủ trong việc hỗ trợ Ukraine. Đây là dấu hiệu đáng lo khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đến gần.
Sự phản đối hỗ trợ thêm cho Ukraine gia tăng trong hàng ngũ đảng Cộng hòa những tuần gần đây, theo The Washington Post. Đầu tháng 10, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện - hạ nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy báo hiệu rằng đảng Cộng hòa sẽ chấm dứt hoặc hạn chế chi tiêu cho chiến tranh một khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ.
Trong các cuộc vận động tranh cử gần đây, nhiều ứng cử viên Cộng hòa nêu rõ quan điểm phản đối đổ tiền sang Ukraine. Ứng cử viên Thượng viện J.D. Vance cho rằng Mỹ sẽ phải “chấm dứt đổ những đồng tiền cuối cùng vào Ukraine”. Ứng cử viên Hạ viện J.R. Majewski chỉ trích ông Biden về việc “chi ngân phiếu hàng tỉ USD cho Ukraine” trong khi lạm phát tăng cao trong nước. Mối đe dọa cắt giảm hỗ trợ đánh dấu một bước ngoặt lớn với đảng Cộng hòa - một đảng mà các thành viên hầu như đều ủng hộ Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch.
Trong khi đó, ngày 25-10, đài CNN đưa tin một nhóm 30 hạ nghị sĩ Dân chủ từ tháng 6 đã cùng ký tên vào một bức thư gửi đến ông Biden với nội dung kêu gọi Nhà Trắng có cách tiếp cận cân bằng hơn về vấn đề Ukraine, tìm điểm giao phù hợp giữa việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và nỗ lực ngoại giao với Nga để có được một thỏa thuận ngừng bắn. Trong thư, dù thừa nhận sẽ có nhiều thách thức khi đàm phán với Nga song nhóm hạ nghị sĩ Dân chủ nêu quan điểm rằng “nếu có biện pháp chấm dứt chiến tranh trong khi vẫn đảm bảo một Ukraine tự do và độc lập thì trách nhiệm của Mỹ là theo đuổi mọi phương án ngoại giao để ủng hộ một giải pháp có thể chấp nhận được với người Ukraine”.
Bức thư được nhóm nghị sĩ rút lại ngay sau đó, song diễn biến này cũng gây bất ngờ đối với nhiều đảng viên Dân chủ khác trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào ngày 8-11.
Không chỉ ở giới lãnh đạo, lòng dân ở Mỹ cũng có dấu hiệu nản dần với xung đột Nga - Ukraine, khi nhiều quan chức hàng đầu chính phủ cảnh báo không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến sẽ sớm kết thúc. Thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố giữa tháng 10 cho thấy tỉ lệ người Mỹ cực kỳ hoặc rất lo lắng về tình hình Ukraine, lo Ukraine thua trong cuộc chiến với Nga đã giảm mạnh, từ 55% hồi tháng 5 xuống còn 38% vào tháng 9. Tỉ lệ người Mỹ nói rằng họ không quá lo lắng hoặc không quan tâm đến việc Ukraine thua hay Nga thắng đã tăng từ 16% lên 26%, theo cuộc khảo sát. Khoảng 32% người ủng hộ đảng Cộng hòa nhận xét Mỹ chi quá nhiều cho cuộc chiến, tăng từ mức 9% hồi tháng 3.•
Mỹ không giục Ukraine đàm phán với Nga
Nội các của ông Biden loại trừ ý tưởng thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, nói rằng đó là vấn đề mà Kiev phải tự quyết định. Nhà Trắng nói rõ mình không biết cuộc chiến sẽ kết thúc thế nào hoặc khi nào, vì điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào Ukraine, CNN cho hay.
Dù vậy, ngày càng nhiều nghị sĩ và chuyên gia đối ngoại không đồng ý với lập trường đó. Theo họ, Nga sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào “một cách nghiêm túc với Ukraine” trừ khi Mỹ cũng chấp nhận tham gia đối thoại. Chuyên gia George Beebe thuộc Viện nghiên cứu chính sách Quincy (Mỹ) nhận định rằng “rủi ro trong chiến lược hỗ trợ Ukraine của Mỹ giai đoạn hiện tại là nó không xác định cách thức cụ thể cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào”.