Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: QUOCHOI.VN
Thông tin trên được nêu trong báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký gửi tới Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, mà ông Phong cùng bộ trưởng các bộ Xây dựng, Thông tin - Truyền thông và Nội vụ sẽ được chất vấn.
Việc Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra hoạt động phát hành và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh vừa qua đã xảy ra một số vi phạm liên quan đến hoạt động này tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, cũng như những vụ việc khác liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội và mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư.
Tại báo cáo, Thanh tra Chính phủ cho biết đã tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.
Cũng như kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Hiện ngành đang triển khai thanh tra quản lý nhà nước về xăng dầu và chuẩn bị triển khai thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng...
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023 của Chính phủ gửi Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường trái phiếu thiếu cân đối. Việc dùng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
Nói về các vụ việc xảy ra tại một số tập đoàn, công ty, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi thanh toán trái phiếu
Ủy ban Kinh tế nhận định các doanh nghiệp bất động sản có tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.
Khối lượng trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng trong 3 năm (2022-2025) khoảng 374.700 tỉ đồng, chiếm gần 42% tổng khối lượng đáo hạn. Việc huy động khối lượng lớn trái phiếu kỳ hạn ngắn (3-4 năm) trong khi thời gian thu hồi vốn các dự án bất động sản thường kéo dài (5-10 năm), dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi thanh toán trái phiếu.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng đẩy giá gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.
Điều hành, quản lý nhà nước với các thị trường này còn chuyển trạng thái đột ngột, ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nhận diện những rủi ro, giải pháp bảo đảm an toàn, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.
TTO - Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, vụ việc xảy ra tại Công ty An Đông (liên quan chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị bắt) cùng các vụ việc khác gây nhiều hệ lụy với phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội, mất niềm tin của nhà đầu tư.