Tình trạng hết xăng hoặc dầu tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương vẫn tiếp tục xảy ra những ngày gần đây. Như tại TP HCM, thống kê của Sở Công Thương cho thấy, gần 20% cửa hàng thiếu xăng để bán.
Bên lề hành lang Quốc hội sáng 2/11, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách, nhìn nhận đây là hiện tượng bất thường. Ông cho rằng, ngay cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá tăng, xăng dầu khan hiếm cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay.
"Giá dầu thế giới hiện tương đối ổn định, nhưng thị trường trong nước lại xảy ra những điều bất thường, phải làm rõ căn nguyên, lý do", ông Lâm nói.
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách, đại biểu TP Hà Nội nhận xét, nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Ông đặt câu hỏi, tại sao các nước không có tình trạng này trong khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần).
"Sự phối hợp quản lý giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí... chưa tốt", ông nêu quan điểm.
Đồng tình, ông Trần Văn Lâm nhìn nhận, để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong nắm bắt thông tin, điều phối thị trường và nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý.
Hiện, quản lý xăng dầu có trách nhiệm phối hợp của nhiều bộ, ngành, song theo ông Lâm, trách nhiệm chính là của Bộ Công Thương. "Không thể đùn đẩy cho bộ nọ, bộ kia", ông nói.
Ông Lâm nói thêm, Bộ Công Thương cần nhạy bén, thu thập đầy đủ thông tin, căn cứ để đề xuất cơ chế, gỡ bất cập của thị trường và đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.
Sau kỳ điều chỉnh tăng giá xăng dầu chiều qua, thị trường vẫn trong cảnh khan hàng, thiếu cung.
Giá tăng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ phản ánh, chiết khấu (mức doanh nghiệp đầu mối cắt lại cho thương nhân, đại lý bán lẻ) vẫn rất thấp, và việc nhập hàng từ đầu mối khó khăn, nhỏ giọt.
"Tới giờ chúng tôi vẫn chỉ nhập được 50% lượng xăng so với nhu cầu, doanh nghiệp tiếp tục chịu thua lỗ do giá điều hành không đúng với thị trường, chiết khấu luôn 0 đồng", giám đốc doanh nghiệp sở hữu 17 cây xăng (gồm đại lý) tại TP HCM nói.
Tại các quận Gò Vấp, 12, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh..., hiện tượng các cây xăng thiếu hàng vẫn diễn ra. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay thành phố tiếp tục ghi nhận tình trạng thiếu xăng.
Tại Hà Nội, sau thời điểm tăng giá, chiều tối 1/11, một số cây xăng vẫn treo biển "hết xăng", số khác hạn chế lượng bán 30.000-50.000 đồng với mỗi lần đổ cho xe máy, thậm chí có nơi từ chối bán cho ôtô với lý do "hàng nhập được ít".
Một thương nhân phân phối thông tin, các doanh nghiệp đầu mối vẫn cấp hàng nhỏ giọt. Họ hạn chế bán ra không phải chờ tăng giá mà không có hàng. Ông cho hay, giá tăng nhưng mức chiết khấu vẫn bằng 0 nên "tình hình chưa thể cải thiện".
Ông Tùng, đại lý nhượng quyền của doanh nghiệp đầu mối lớn tại Hà Nội cho hay, 2-3 ngày mới gom được một xe hàng nên không dám bán ồ ạt mà "phải bán ra cầm chừng để không hết hàng, chứ bung ra bán chỉ một ngày là hết".
Chiều nay (2/11) Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ có cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Sở Công Thương Hà Nội về tình hình cung ứng thị trường.
Giải trình tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn khẳng định tổng nguồn cung không thiếu, khi đầu tháng 10 cả nước có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu (gồm nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu, dự trữ thương mại, nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối) đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tới hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy đang sản xuất, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thì đánh giá, nguồn cung trên thị trường có thiếu và việc nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối không đạt theo kế hoạch. Quý III, chỉ có 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.
Sắp tới, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, gồm việc quyết định giá, chi phí định mức (hiện phần này đang do Bộ Tài Chính đảm trách). Việc này nhằm đảm bảo chủ động nguồn cung giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ; chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, nguồn cung xăng dầu.
Anh Minh