Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.600 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần cùng kỳ năm 2021 và tăng nhẹ so với quý II/2022.
Trong khi đó, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp 5,36 lần so với quý 3/2021 đạt mức 11.237 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp chỉ ở mức gần 364 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vietjet đạt gần 208 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ, trong đó lớn nhất là khoản lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái gần 122 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính cũng giảm 21% về còn gần 235 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do khoản 370 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, chi phí lãi vay gần 259 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỉ giá hối đoái gần 173 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 120% và 228% lên gần 143 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.
Khấu trừ các loại chi phí, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế “đi lùi" 40% so với cùng kỳ năm 2021 về còn 42,5 tỷ đồng – giảm lần lượt 17% và 77% so với mức lãi ghi nhận trong quý I/2022 và quý II/2022.
Giải trình về kết quả kinh doanh, Vietjet cho biết trong quý III/2022, hàng hàng không này đã thực hiện hơn 35.000 chuyến bay và vận chuyển 6.4 triệu lượt khách. Vận tải hành khách nội địa đóng góp vào sự phục hồi với tăng trưởng 36% số chuyến bay và 44% tổng hành khách. Vận tải hành khách quốc tế bắt đầu đà phục hồi, đạt khoảng 25% so với trước dịch Covid-19. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý đạt 11.500 tấn.
Về nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận có mức giảm đáng kể, Vietjet lý giải chú yếu đến từ chi phí nhiên liệu bay tăng cao, bình quân 130 USD/thùng so với mức trung bình 80 USD/thùng năm 2019.
Lũy kế 9 tháng, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 27.535 tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ tuy nhiên, lãi sau thuế giảm nhẹ 4% còn 187 tỷ đồng.
Năm 2022, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32.720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, sau quý III, hãng bay này này đã hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và chỉ gần 19% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Do đó khả năng Vietjet có thể hoàn thành được kế hoạch về lợi nhuận là rất mong manh.
Tổng tài sản tính đến 30/9/2022 của VJC tăng 31% so với đầu năm lên 67.470 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 40.400 tỷ đồng, trong đó, tiền và khoản tương đương tiền đạt 2.067 tỷ.
Nợ phải trả tăng 44% lên 49.938 tỷ đồng, chủ yếu là do nợ ngắn hạn tăng mạnh đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn với 7.736 tỷ đồng, trong khi 31/12/2021 chỉ ghi nhận 3.324 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản vay ngắn hạn ngân hàng tăng 1.5181 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex đã được thanh toán toàn bộ, và phát sinh khoản vay 989 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Quân Đội.
Khoản vay dài hạn tại ngân hàng và trái phiếu phát hành cũng tăng tới 4.865 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VJC từng có thời điểm tăng mạnh khi đi từ vùng giá 120.000 đồng/CP vào cuối tháng 1 lên đỉnh 149.000 đồng/CP phiên 18/2, sau đấy giảm chung theo thị trường. Chốt phiên 31/10, giá cổ phiếu VJC về còn 107.600 đồng/CP, giảm 0,19%, tương đương vốn hóa 58.277 tỷ đồng.
Trong quý IV, Vietjet kỳ vọng tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh tích cực đến từ lượng hành khách tăng mạnh, đặt biệt là khách quốc tế, nhờ hiệu ứng từ các chương trình marketing, khuyến mãi triển khai trong quý III/2022, tăng cường hoạt động thương mại tài chính tàu bay nhờ vào các đơn đặt hàng sẵn có với Airbus và Boeing trong bối cảnh thị trường tàu bay tại nước ngoài đang rất khan hiếm và nguồn doanh thu mới từ việc đầu tư các dự án kinh doanh và dịch vụ khác.
Doanh nghiệp này cũng kiến nghị Chính phủ việc xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép thu phụ thu xăng dầu để tăng cường nội lực cho các hãng hàng không.