Những ngày gần đây, tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung và tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục tái diễn ở Tp.HCM.
Trong cuộc họp ngày 1/11, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, tính đến 12h cùng ngày, có 108 cửa hàng thiếu xăng trên tổng số 550 cửa hàng trên toàn địa bàn. Số lượng này tương đương gần 80% con số cao điểm hôm 10/10. Khi đó, Tp.HCM có đến 137 cửa hàng hoạt động nhưng không có xăng để bán.
Tại Hà Nội, sau thời điểm tăng giá, chiều tối 1/11, một số cây xăng vẫn treo biển "hết xăng", số khác hạn chế lượng bán 30.000-50.000 đồng với mỗi lần đổ cho xe máy.
Bên hành lang Quốc hội, báo chí đã có những trao đổi đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề này.
Chưa bắt trúng bệnh
Thưa ông, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu không chỉ xảy ra ở các tỉnh phía Nam, mà còn lan ra Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Nhiều cây xăng ở Hà Nội thông báo hết hàng, hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên bán xăng, khiến người dân mệt mỏi xếp hàng chờ tới lượt. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Nếu như xăng dầu chỉ đứt gãy cục bộ, gián đoạn trong thời gian nhất định, ở địa bàn nhất định còn nguồn cung vẫn dồi dào thì không quá lo, nhưng ở đây, sự đứt gãy lan ra diện rộng. Cần phải rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể, xem có đáp ứng đủ nhu cầu về xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất kinh doanh không?
Thực tế, điều hành chính sách vĩ mô về xăng dầu thuộc Bộ Công Thương, còn nhập hàng phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp. Kinh doanh là phải có lợi nhuận nên có thời điểm giá cao, doanh nghiệp hạn chế nhập, chờ đến khi giá thấp để nhập hàng.
Nhưng, vấn đề cốt yếu ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu chưa bắt trúng bệnh, chưa nắm sát tình hình căn nguyên cơ bản của thị trường.
Chính vì thế, cần có sự điều tra, đánh giá lại một cách tổng thể, để xác định số liệu báo cáo nguồn cung xăng dầu có sai lệnh với diễn biến, nhu cầu thực tế của thị trường. Nếu có sai lệch thì phải áp dụng nhiều biện pháp kinh tế để đảm bảo nguồn cung.
Theo ông, hiện tượng thiếu nguồn cung xăng dầu trong thời gian vừa qua là bất thường, cục bộ hay do sự yếu kém trong vấn đề điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Rõ ràng, đây là hiện tượng bất thường trong kinh doanh xăng dầu thời gian qua, bởi kể cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá lên cao, nhưng không có hiện tượng đứt gãy nguồn cung như hiện tại.
Giá dầu thô thế giới đang ở mức hài hoà, không phải quá cao, song lại để xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung thì cần phải xem xét lại, làm rõ căn nguyên, lý do. Trách nhiệm cuối cùng vẫn phải là của cơ quan quản lý Nhà nước, họ phải đề ra được các cơ chế, chính sách, nắm bắt thông tin để điều phối hợp lý.
Không thể đùn đẩy trách nhiệm
Đến giờ chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào chính thức đứng ra nhận trách nhiệm. Vậy theo ông, trách nhiệm ở đây thuộc về ai?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Như Bộ trưởng Công Thương nói, vấn đề quản lý, cung ứng và kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Do vậy, các cơ quan phải hợp tác với nhau thật chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước rất dị biệt như vừa qua.
Song, trách nhiệm chính trong vấn đề quản lý Nhà nước về xăng dầu là của Bộ Công Thương, không thể đùn đẩy cho bộ này bộ kia được.
Vấn đề quan trọng nhất là Bộ Công Thương có kịp thời, nhạy bén nắm bắt thông tin về tình hình kinh doanh xăng dầu trong nước, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Những vấn đề nào vướng mắc, ngoài thẩm quyền Bộ Công Thương thì phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ có chỉ đạo, giải quyết.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Chính phủ, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cần giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả quyết định giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động. Đề xuất này có khả thi không, thưa ông?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi) theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý về giá đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá về cho các bộ ngành chuyên môn; không tập trung hết về một đầu mối là Bộ Tài chính. Tôi cho rằng, chủ trương này là đúng.
Đề xuất giao cho Bộ Công Thương quản lý tất cả về mặt xăng dầu là hợp lý. Cũng như việc giao cho Bộ Y tế quản lý giá thuốc.
Việc này sẽ giảm tải cho cơ quan đầu mối quản lý về giá là Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, đối với từng mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính không thể quản lý sâu sát, đầy đủ như từng bộ ngành quản lý từng mặt hàng được.
Vấn đề này đang trong quá trình khởi thảo, xây dựng Luật Giá, nếu Luật Giá được thông qua thì Nghị định 95 mới có thể điều chỉnh được.
Xin cảm ơn ông!
Giải trình tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vẫn khẳng định tổng nguồn cung không thiếu, khi đầu tháng 10/2022 cả nước có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu (gồm nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu, dự trữ thương mại, nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối) đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tới hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy đang sản xuất, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thì đánh giá, nguồn cung trên thị trường có thiếu và việc nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối không đạt theo kế hoạch. Quý III, chỉ có 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.
Sắp tới, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, gồm việc quyết định giá, chi phí định mức (hiện phần này đang do Bộ Tài chính phụ trách).
Việc này nhằm đảm bảo chủ động nguồn cung giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ; chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, nguồn cung xăng dầu.