"Ảo thuật" nâng khống khối lượng chất thải để móc ví khách hàng - Ảnh: T.L
Có dấu hiệu tội lừa đảo
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi làm giấy đăng kiểm giả, bấm đồng hồ ảo nâng khống thể tích chất thải để móc túi khách hàng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp... thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Tuấn cho rằng cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc để làm rõ có hay không sự thỏa thuận, phân công thực hiện giữa các nhóm người tham gia kê khống khối lượng hút hầm cầu; làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH xây dựng và vệ sinh môi trường Nam Bắc, Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group.
Phạt nặng hành vi đổ trộm chất thải ra môi trường
Bên cạnh trò "ảo thuật" nâng khống khối lượng chất thải, ông Nguyễn Bá Đạt (nhân viên Công ty TNHH xây dựng và vệ sinh môi trường Nam Bắc) còn hút chất thải từ nhà này để xả sang nhà khác, còn ông Nguyễn Văn Thành (giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group) có hành vi đổ chất thải trong khu đất trống do Công ty cổ phần nông hải sản súc sản Sài Gòn quản lý.
Theo luật sư Nhật, theo thông tư 04/2015 của Bộ Xây dựng thì đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển bùn thải bể tự hoại có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến khu xử lý tập trung đã được quy hoạch hoặc vị trí do cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Như vậy việc đơn vị cung cấp dịch vụ hút chất thải từ nhà này đổ sang nhà khác (hầm cầu, bể phốt) hay đổ thẳng ra khu đất trống là không đúng quy định về quản lý bùn thải bể tự hoại như nêu trên.
Theo đó, cơ quan chức năng cần trưng cầu giám định, đánh giá tác động đến môi trường của hành vi xả thải trái phép này. Tùy theo mức độ nguy hại của chất thải mà hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Theo nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi thải chất thải vệ sinh hầm cầu vào môi trường trái quy định có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối cá nhân, còn đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần về cùng một hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm...
Còn nếu chất thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nhiều lần theo luật định thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường, bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng, hoặc bị phạt tù đến 7 năm.
Đặc biệt, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền đến 5 tỉ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn...
TTO - Kỳ lạ thay, một ngày các xe hút hầm cầu hút ở hàng chục địa điểm với lượng chất thải rất lớn nhưng bồn xe không bao giờ đầy, cũng không chở đi xử lý. Vậy chất thải từ hầm cầu đi về đâu?
Xem thêm: mth.97330423120112202-oad-aul-iot-ueih-uad-oc-uac-mah-tuh-gnoul-iohk-gnohk-gnan/nv.ertiout