Tại cuộc họp chiều 2/11 với các doanh nghiệp đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị PVN, Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ xuất xăng dầu vốn là dự trữ thương mại.
Lượng xăng dầu dự trữ của Việt Nam đến từ hai nguồn: dự trữ lưu thông của doanh nghiệp và dự trữ xăng dầu quốc gia. Với phần dự trữ lưu thông, theo quy định, các đơn vị đầu mối, phân phối phải đảm bảo lượng hàng dự trữ lưu thông đủ 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề. Lượng hàng dự trữ này là mặt hàng doanh nghiệp kinh doanh thường xuyên và họ tự bỏ chi phí duy trì tồn kho.
Theo số liệu tới ngày 30/9, dự trữ thương mại của các doanh nghiệp là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu (chưa gồm nguồn từ hai nhà máy lọc dầu, nhập khẩu trong kỳ của các doanh nghiệp). Mức dự trữ này tương đương 74% lượng tiêu thụ bình quân của cả nước trong một tháng.
"Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đang rất khó khăn, cần sự chung tay của đơn vị đầu mối để đảm bảo nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù kho khăn", ông nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, 14 doanh nghiệp, hầu hết là đầu mối tư nhân, chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao cung ứng xăng dầu. Vì thế, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý.
2 nhà máy lọc dầu trong nước cung ứng 70-80% lượng xăng dầu trong nước, còn lại nhập khẩu. Nhưng thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một nửa trong 80% nguồn cung từ 2 nhà máy vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu), tức vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới.
"Như vậy, tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm", ông nói.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương phải chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường, trên cơ sở cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu. Cơ quan này cũng cần giám sát và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.
Các vướng mắc phát sinh cần được các bộ, ngành chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Liên Bộ sớm hoàn thiện chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030.
Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhất là quy định về thời gian điều hành, quỹ bình ổn giá, thống nhất đầu mối quản lý; cũng như các tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của thương nhân (đầu mối, phân phối...) cũng được Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi.
Với các địa phương, Thủ tướng giao giám sát việc kinh doanh của các cửa hàng; thanh, kiểm tra hoạt động niêm yết giá, thời gian đăng ký bán hàng...
Cùng trong ngày 2/11, TP HCM đề xuất lập tổ công tác điều hành kinh doanh xăng dầu, có trách nhiệm đề xuất giải pháp cho những tồn tại ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng mặt hàng trên.
Tổ này do Phó chủ tịch UBND TP HCM phụ trách lĩnh vực kinh tế làm tổ trưởng, Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Công Thương làm tổ phó. Thành viên còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị Cục Thuế, Cục Hải quan, Công an TP HCM, Cục Quản lý thị trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Sau kỳ điều chỉnh tăng giá xăng dầu chiều 1/11 thị trường vẫn trong cảnh khan hàng, thiếu cung. Giá tăng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ phản ánh, chiết khấu (mức doanh nghiệp đầu mối cắt lại cho thương nhân, đại lý bán lẻ) vẫn rất thấp, và việc nhập hàng từ đầu mối khó khăn, nhỏ giọt.
Tình trạng hết xăng hoặc dầu tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương vẫn tiếp tục xảy ra. Như tại TP HCM, thống kê của Sở Công Thương cho thấy, gần 20% cửa hàng thiếu xăng để bán.
Hoài Thu - Thi Hà