Em Ngô Đình Gia Bảo, học sinh lớp 11 Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, đã đoạt cúp vô địch tại cuộc thi lập trình robot diễn ra ở Singapore cuối tháng 10-2022 - Ảnh: HUỲNH MAI
Giáo dục STEM - hình thức giáo dục khuyến khích học sinh sử dụng kiến thức tổng hợp của các môn khoa học (S), công nghệ (T), kỹ thuật (E) và toán học (M), nhằm trang bị cho học sinh các kỹ năng học tập như tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp và làm việc nhóm đang ngày càng được chú trọng hơn tại các nước.
Tầm nhìn của giáo dục kiểu mới
Có nguồn gốc từ Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) vào những năm 1990, phương pháp giáo dục STEM đã được ứng dụng rộng rãi ở các nước Âu, Mỹ cũng như các quốc gia phát triển tại châu Á. Điển hình như Hàn Quốc đã chính thức đưa STEM vào chương trình phổ cập giáo dục toàn quốc từ năm 2009. Nhiều trường quốc tế tại Singapore cho học sinh tiếp xúc sớm với các thiết bị tân tiến như máy in 3D và các ứng dụng lập trình.
Tại Đông Nam Á, dù khác nhau về chính trị, lịch sử, hệ thống giáo dục, các nước trong khu vực vẫn chia sẻ tầm nhìn chung về việc tăng cường năng lực cạnh tranh của khối ASEAN. Trong đó, cách tiếp cận liên ngành của giáo dục STEM đóng vai trò chiến lược để bồi dưỡng cho nguồn nhân lực chất lượng cao, vì phương pháp này dạy cho học sinh những kỹ năng quan trọng để hội nhập quốc tế.
Bộ Giáo dục Malaysia đưa STEM vào chương trình giảng dạy các kỹ năng như phân tích, phản biện, xây dựng giả thuyết, giải quyết vấn đề, thúc đẩy học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó kết hợp với các tổ chức khác để xây dựng chương trình truyền hình, chiến dịch mạng xã hội về giáo dục STEM.
Bộ Giáo dục Philippines thường xuyên tổ chức Ngày hội khoa học công nghệ quốc gia tại các trường học, và mục tiêu trong tương lai là khuyến khích nhiều học sinh nữ tham gia lĩnh vực này.
Tại Indonesia, thúc đẩy giáo dục STEM là chiến lược tiên phong của chính phủ khi quốc gia này đang tìm cách khẳng định vị thế trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á và thế giới. Đặc biệt STEM-D (kết hợp STEM vào phòng chống thiên tai) đang là chủ đề được quan tâm tại Indonesia. Chính phủ kỳ vọng học sinh được trang bị đầy đủ những kỹ năng ứng phó với thảm họa, qua đó các em học được kỹ năng phân tích vấn đề, phát triển giải pháp.
STEM tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam ngày càng đề cao định hướng giáo dục STEM. Trong năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 trên cả nước được học theo chương trình và sách giáo khoa mới, trong đó mô hình giáo dục STEM lần đầu tiên được chính thức đưa vào giảng dạy. Năm học 2022-2023, học sinh khối lớp 10 tiếp tục học chương trình và sách giáo khoa mới có mô hình STEM.
Các hoạt động STEM hiện nay diễn ra sôi động ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều công ty giáo dục trong và ngoài nước. Các công ty này phân phối công cụ và chương trình học STEM như phần mềm, robot, các mô hình học tập trực quan, sinh động cho trường học.
Các phong trào STEM nổi bật hiện nay gồm có: Ngày hội STEM quốc gia, được tổ chức thường niên từ năm 2015 do Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì. Tháng 5 vừa qua, Ngày hội STEM 2022 đã tổ chức tại 10 tỉnh thành cả nước, thu hút hàng nghìn học sinh và giáo viên.
Ở quy mô cấp trường và các cấp giáo dục cao hơn như phòng, sở giáo dục, có hàng trăm ngày hội STEM và các câu lạc bộ STEM được tổ chức. Trong các địa phương, đi đầu và tiên phong với các hoạt động phong trào và ngày hội STEM phải kể đến huyện Thanh Chương, Nghệ An - nơi có 88 câu lạc bộ STEM tại các cấp học với 100% giáo viên phụ trách đã được tập huấn chuyên môn về robot và tích hợp STEM theo chủ đề.
Điều này cho thấy giáo dục STEM đã bắt đầu lan tỏa, được biết đến nhiều hơn và hình thành nền tảng phát triển bền vững.
Học sinh TP.HCM chiến thắng cuộc thi STEM ở Singapore
Hiện nay, các ngày hội học và thi STEM không chỉ dừng lại ở phạm vi nhà trường hay các cấp quận huyện, TP mà đã mở rộng tầm khu vực.
Phối hợp cùng ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Công ty giáo dục GaraSTEM tại TP.HCM vừa tổ chức thành công cuộc thi lập trình robot diễn ra tại Singapore. Tại cuộc thi này, em Ngô Đình Gia Bảo, học sinh lớp 11 Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, đã đoạt cúp vô địch.
Gia Bảo chia sẻ: "Em có định hướng sẽ học ngành khoa học máy tính khi vào đại học, cho nên cuộc thi này rất phù hợp và cho em cơ hội trải nghiệm sớm đam mê của mình.
Kiến thức lập trình trên sách giáo khoa rất khác khi áp dụng vào thực tế. Em phải chú ý và tính toán kỹ đến các yếu tố môi trường, ví như lực ma sát và phải tối ưu, điều chỉnh để robot hoạt động được.
Thông qua đó, em học được kỹ năng phân tích giải pháp, giải quyết vấn đề và lập luận logic. Ngoài ra, chương trình còn có nhiều bạn bè quốc tế nên em có dịp kết bạn, học hỏi, chia sẻ sở thích và giao lưu văn hóa".
Ngày 29-6-2022, sân chơi Robotacon Friendship do Việt Tinh Anh tổ chức đã thu hút đông đảo giới trẻ yêu thích STEM Robot với sự tham gia của hơn 250 thí sinh cả nước.
Xem thêm: mth.8420009030112202-mets-cud-oaig-ohc-ut-uad-a-man-gnod/nv.ertiout