vĐồng tin tức tài chính 365

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 1: Hàng rào bẫy phù sa ở Indonesia

2022-11-03 10:36
Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 1: Hàng rào bẫy phù sa ở Indonesia - Ảnh 1.

Dựng hàng rào tích tụ phù sa tại làng Timbulsloko - Ảnh: wetlands.org

Biến đổi khí hậu khắc nghiệt đang làm nước biển dâng, mưa bão xảy ra thường xuyên hơn và tàn phá dữ dội hơn. Tình trạng sạt lở nghiêm trọng các vùng ven sông, ven biển cũng trở nên vô cùng nghiêm trọng. Có cách nào để ngăn chặn thủy thần lấn đất, hại người? Hiện các giải pháp thuận tự nhiên đang chiếm ưu thế hơn. Những kinh nghiệm thiết thực cho Việt Nam, quốc gia cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Sau các trận mưa bão vào trung tuần tháng 10-2022, tình trạng sạt lở bờ biển đã xảy ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... Tháng trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau ghi nhận 189km trong 254km chiều dài bờ biển đã bị sạt lở nghiêm trọng. Cuộc chiến sạt lở và chống sạt lở Việt Nam vẫn đang ở thế giằng co, chưa thấy hồi kết.

Cuối cùng tôi đã có thể gửi con vào trường đại học. Chúng tôi cũng đã nâng nhà để nước triều cường không tràn vào nữa.

Trưởng nhóm MAT SAIRI

Trả giá cho nạn phá rừng lấy đất nuôi tôm

Trên thế giới, các nước đang ra sức đối phó với tình trạng sạt lở bờ biển do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Indonesia là quốc gia có nhiều rừng ngập mặn nhất thế giới. Thế nhưng trên đảo Java - đảo đông dân nhất Indonesia, 70% diện tích rừng ngập mặn đã được cải tạo thành ruộng lúa, ao nuôi tôm cá, cảng và khu công nghiệp, từ đó bờ biển bị sạt lở rất nhanh.

Tại làng Timbulsloko thuộc huyện vùng trũng Demak trên đảo Java, khi rừng ngập mặn phòng hộ biến mất gần hết, lũ lụt do triều cường và nạn sạt lở bờ biển bắt đầu uy hiếp. 

Phía sau các dãy nhà dân mọc san sát dọc con đường đê hẹp dài gần 5km chỉ toàn nước biển lênh láng với các hàng rào nửa chìm nửa nổi và tàn tích của đê chắn sóng. Nhà nào có tiền nâng nền cao lên. Nhiều nhà khó khăn phó mặc cho thủy thần. Nghĩa trang của làng cũng không thoát khỏi cảnh ngập lụt.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Yale Environment 360 của Trường Môi trường Yale (Mỹ), nhà báo Fred Pearce tường thuật trước khi biển xâm lấn, làng Timbulsloko với 3.500 dân tọa lạc trong vùng châu thổ trù phú trồng lúa có vành đai rừng ngập mặn rộng lớn bảo vệ. Ngư dân Slamet kể: "Tôi lớn lên trong những năm 1960 khi biển còn cách xa gần 2km, sau đó nước biển bắt đầu lấn dần".

Dân làng Timbulsloko đã mắc sai lầm như hầu hết các cộng đồng ven biển khác trong khu vực. Họ cải tạo ruộng lúa thành ao và chặt phá rừng để mở rộng diện tích nuôi tôm và cá măng sữa. 

Anh Mat Sairi kể: "Cha mẹ chúng tôi đã cảnh báo nên bảo vệ rừng ngập mặn vì rừng mang lại nhiều nguồn lợi như sò, cua, cá sống dưới rễ cây đồng thời bảo vệ bờ biển. Thế nhưng dân họ lại muốn kiếm tiền nhanh để nuôi sống gia đình".

Khi rừng ngập mặn phòng hộ mất gần hết, sóng biển bắt đầu cuốn trôi các đê bao quanh ao tôm cá. Các giải pháp xây đê chắn sóng và cừ cản sóng đều gặp thất bại. Ngay cả trồng lại rừng ngập mặn cũng không thành công do cách trồng không thích hợp. 

Chính vì vậy nước biển cứ lấn sâu vào làng, mỗi năm lấy đi thêm 100m đất. Mọi người tuyệt vọng vì phải dựng lại nhà cửa hết lần này đến lần khác. Họ đã chứng kiến các ngôi làng lân cận bị biển nuốt chửng và họ bắt đầu nghĩ đến chuyện dời nhà đi nơi khác.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 1: Hàng rào bẫy phù sa ở Indonesia - Ảnh 3.

Dự án hàng rào cho nước xuyên qua được thí điểm đầu tiên tại Indonesia năm 2013 ở làng Bogorame (huyện Demak) - Ảnh: sciencedirect.com

Hàng rào cho nước xuyên qua

Sáng sớm thứ bảy hôm ấy, dân làng Timbulsloko tập hợp lại thảo luận vấn đề khôi phục đất ven biển bị sạt lở. Người của tổ chức quốc tế phi lợi nhuận Wetlands International (Hà Lan) đã đề xuất giải pháp mới: xây dựng hàng rào cho nước xuyên qua tại vùng nước nông theo phương pháp "xây dựng với thiên nhiên" (BwN).

Hàng rào gồm hai hàng cọc tre đóng xuống sâu 1,8m. Mỗi hàng rào dài gần 1,7m, cao hơn 0,9m so với mặt biển. 

Khoảng trống giữa hai hàng cọc được lấp đầy bằng các bó nhánh cây xếp theo chiều ngang có lưới cố định cho khỏi trôi tương tự cách chất chà bắt cá ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam. Hàng rào có thể có cửa hở và/hoặc tường bên hoặc không. Sau một thời gian, cọc tre bị mấy con hà đục phá nên được thay bằng ống nhựa PVC đổ bê tông.

Chị Femke Tonneijck thuộc tổ chức Wetlands giải thích hàng rào không chặn nước biển mà chỉ giảm sóng để các hạt phù sa li ti rơi xuống tích tụ trong rào. Các hạt đước nảy mầm trôi nổi trong nước bám vào nền phù sa bồi lắng lớn lên. Rừng thành hình tiếp tục giữ thêm nhiều phù sa. 

Đường bờ biển dần dà được khôi phục và hàng rào không còn cần thiết nữa. Rừng còn tạo môi trường đất ngập nước mới cho các loài chim nước như cò, diệc và cò lạo xám (Mycteria cinerea) có nguy cơ tuyệt chủng trú ngụ.

Hàng rào ít tốn kém và ít sử dụng công nghệ, do đó dân làng đủ sức đảm đương. Họ không được trả tiền công, thay vào đó tổ chức Wetlands và các đối tác huấn luyện họ cách thức quản lý bờ biển và cho vay thực hiện các dự án phát triển bền vững như sản xuất phân hữu cơ cải thiện sản lượng ao cá, mua máy lọc nước ngọt, lập các điểm tham quan cho du khách. Theo thỏa thuận, nếu hàng rào hoạt động tốt, các khoản vay sẽ được xóa.

Tám tháng sau khi dựng hàng rào, anh Mat Sairi, trưởng nhóm Barokah, lấy mái chèo cắm xuống nước hai bên hàng rào để kiểm tra. Nền đáy biển trong rào đã cao thêm hơn 15cm. Vài nơi cao đến 0,6m. Sóng trong rào yếu hơn bên ngoài nhiều. Dân làng quyết định khoanh vùng 100ha đất bị sạt lở thành khu bảo tồn rừng ngập mặn.

Làng Timbulsloko là làng đầu tiên trên đảo Java tình nguyện dựng hàng rào vào năm 2015. Đến cuối năm 2018, chín làng thuộc huyện Demak bắt đầu dựng hàng rào như vậy. Báo cáo "Xây dựng với thiên nhiên ở Indonesia" năm 2015-2021 ghi nhận hàng rào cho nước xuyên qua đã được xây dựng dọc hơn 9km bờ biển huyện Demak.

Trong ba năm đầu, phù sa bồi lắng bình quân hơn 25cm. Rừng đước trồng trên nền phù sa đã cao tới 1m. Báo cáo đề nghị chỉ nên làm theo cách truyền thống (trồng đại trà rừng ngập mặn) ở những nơi cây con không thể sống tự nhiên và nên làm như huyện Demak là giúp rừng tự phát triển bằng các biện pháp phục hồi thủy văn tự nhiên, động lực phù sa và điều kiện đất.

Rừng tốt thì sinh kế tốt

Trưởng nhóm Mat Sairi luôn ghi nhớ thông điệp của phương pháp "xây dựng với thiên nhiên": Rừng ngập mặn được chăm sóc tốt sẽ mang lại sinh kế, ngược lại một khi sinh kế vững vàng, chúng ta có thể khôi phục rừng tốt hơn.

Ngoài chủ trương xây dựng hàng rào cho nước xuyên qua, phương pháp này còn giúp phát triển kinh tế lâu dài bằng cách nuôi trồng thủy sản bền vững. Rừng tươi tốt, cá tôm nhiều hơn thu hút người đến câu cá giải trí và du khách.

Nhóm Barokah của anh sở hữu bảy chiếc thuyền dùng để đánh bắt cá và đưa du khách tham quan rừng. Một khi thu nhập ổn định, họ đóng góp thêm vào quỹ chung để giúp các thành viên kém may mắn hơn.

----------------------

Tại Ghana, mỗi năm sóng biển ngoạm vào bờ trung bình 2m. Ghana chủ trương xây đê chắn sóng, song các nhà nghiên cứu đề nghị Ghana áp dụng các giải pháp thuận tự nhiên hơn.

Kỳ tới: Đê chắn sóng có ngăn được sạt lở?

Duyên nợ bất ngờ trong đêm Duyên nợ bất ngờ trong đêm 'đại hồng thủy'

TTO - Ai nghe chuyện cũng nói chính những con người gan thép này đã giúp cho Đà Nẵng tránh khỏi một mất mát lớn về nhân mạng.


Xem thêm: mth.7815939030112202-aisenodni-o-as-uhp-yab-oar-gnah-1-yk-cus-cod-yah-gnuhc-gnos-naht-yuht-iov-uad-neihc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 1: Hàng rào bẫy phù sa ở Indonesia”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools