vĐồng tin tức tài chính 365

“Giàu lên vì đất, chết vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất”

2022-11-03 11:48

Sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ để góp ý xây dựng dự Luật Đất đai (sửa đổi) với hàng loạt chính sách mới trong thu hồi, xác định giá đất…

Làm rõ "đảm bảo thu nhập" sau thu hồi đất

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là bộ luật rất quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt về kinh tế xã hội và được người dân đặc biệt quan tâm. Quan trọng hơn là giải quyết được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật hiện hành.

“Việc ban hành sớm Luật Đất đai sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là giải quyết, giảm bớt các khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai. Cùng với đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các khu đất đang nằm trong diện quy hoạch”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Kiến nghị các nội dung liên quan, ông Ngân lưu ý đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia tại điều 71; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại điều 72…. Theo đó, trong nội dung này, Uỷ ban Kinh tế đã có yêu cầu làm rõ nội hàm, đưa ra tiêu chí xác định 3 khu vực đất cần giữ ổn định.

Trong đó, Uỷ ban yêu cầu làm rõ: Thế nào là thu hoạch đất trồng bảo vệ? Thế nào là khu vực đất, khu vực phát triển nhu cầu cấp quốc gia. “Với nội dung này, từ nay đến khi thông qua cần phải được giải thích một cách cặn kẽ”.

Bất động sản - “Giàu lên vì đất, chết vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Hoàng Bích).

Vị đại biểu đoàn Tp.HCM cũng nhấn mạnh về việc cần thống nhất thời gian quy hoạch giữa các quy hoạch này và đặc biệt là tầm nhìn của quy hoạch này.

Ông Ngân dẫn ra: Tại điều 72, điều 73, có quy hoạch đưa tầm nhìn đến 30 năm, 50 năm; nhưng cũng có quy hoạch tầm nhìn 10 năm, 20 năm. “Do đó, những quy hoạch này cần phải có sự thống nhất”, ông nói.

Về việc thu hồi đất, ông Ngân nhấn mạnh đây là nội dung người dân đặc biệt quan tâm. “Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, cần có quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí này”, ông nói.

Mặc dù điều 97 có nêu việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập, nhưng theo ông Ngân, để “bảo đảm thu nhập” mà với điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi cũ thì rất khó. Bởi an cư thì mới lập nghiệp.

Từ đó, ông Ngân gợi ý nên thương lượng với dân theo giá thị trường và kiến nghị hạn chế thu hồi tối đa với đất phi nông nghiệp, đất nhà ở của dân.

Vị đại biểu cũng cho biết, vừa qua, khi tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc khi nói rằng đất nhà ở của dân được thu hồi, quy hoạch đất công viên, cây xanh và bị thu hồi theo giá rất thấp. Trong khi đất bên cạnh được thu hồi là khu nhà ở thương mại thì giá đất lại cao.

“Điều này dẫn đến sự chênh lệch quá lớn khi đền bù tiền đất. Và điều này khiến người dân rất bức xúc. Vì vậy, cần có sự quy hoạch tổng thể hơn, kể nhà đất thương mại thì cần đưa vào một mặt bằng giá”, ông Ngân nhấn mạnh.

Nhiều vấn đề từ giá đất mà ra

 

Thảo luận tại tổ 12, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho biết, trong Luật Đất đai đã khẳng định đất sở hữu toàn dân và Nhà nước đại diện quyền sở hữu.

Do vậy, khi sửa Luật Đất đai, cần làm rõ nội hàm những nội dung nào toàn dân quyết định và nội dung nào toàn dân ủy quyền Nhà nước được làm, cũng như đại diện Nhà nước đến đâu.

Theo đại biểu đoàn Bình Dương, do sở hữu toàn dân nên khi sửa Luật cần đảm bảo cân bằng lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và đầu tư.

Ông cũng dẫn chứng việc giải toả để làm đường, nhiều nhà dân ở mặt đường với giá trị vài chục triệu/m2, khi giải tỏa phải chuyển về khu tái định cư và nhiều nhà bên trong được ra mặt đường. Như vậy, giá trị là không tương xứng bởi nhà trong được ra mặt đường.

“Kinh nghiệm từ một số nước là những người muốn ra mặt đường sẽ phải nộp một khoản tiền và lấy tiền đó cho những người tái định cư, do vậy khi sửa luật cũng cần tính việc đó nhằm đảm bảo cân đối lợi ích cho người dân” đại biểu Trần Công Phàn nói.

Bất động sản - “Giàu lên vì đất, chết vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất” (Hình 2).

Đại biểu Trần Công Phàn (Ảnh: N.Quảng).

Liên quan đến giá đất, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, cần quy định chặt chẽ trong luật khi thay đổi quyền sử dụng đất, bởi nhiều trường hợp khi thay đổi mục đích sử dụng đất thì giá đất có thể “nhảy vọt”.

“Thay đổi giá đất liên quan đến vấn đề quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng. Có người đang có 1 triệu đồng thành 1 tỷ đồng, tất cả giàu lên vì đất, chết vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất. Đây là những vấn đề đang hiện hữu và chúng ta phải xử lý”, ông Phàn nói.

Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ mức giá sát với thị trường (khi có nhiều loại đất khác nhau), nếu không có định hướng về giá thì xác định giá đất rất khó.

“Nhà nước là đại diện quyền sở hữu thì cần quy định rõ quyền nào được thực hiện và quyền nào phải xin ý kiến dân, bởi từ vấn đề quyền sử dụng và giá đất sẽ liên quan tới vấn đề thu hồi, giải tỏa, đền bù”, vị đại biểu Trần Công Phàn nêu.

Vị đại biểu đoàn Bình Dương nhấn mạnh, giá đất hết sức quan trọng, vì tất cả đều từ giá đất mà ra. “Tôi cho rằng đây là cái gốc, dù chúng ta thảo luận nhưng không gỡ vấn đề này ngay từ đầu thì sau này nhiều kỳ họp rồi vẫn thế, chúng ta vẫn vướng mà thôi”, ông Phàn nói.

Xem thêm: lmth.653875a-tad-iv-gnuc-yl-oal-oav-ior-tad-iv-tehc-tad-iv-nel-uaig/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

““Giàu lên vì đất, chết vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools