GS.TS Trần Đăng Xuân (bên phải) và nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm sinh lý, thực vật và hóa sinh - Ảnh: Đại học Hiroshima
Nhóm nghiên cứu của GS.TS Trần Đăng Xuân thuộc Đại học Hiroshima đã chứng minh hợp chất chiết xuất từ vỏ trấu có tác dụng ức chế tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Cancers chuyên nghiên cứu về ung thư vào tháng 10-2022.
Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà khoa học đã làm rõ cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của hợp chất được tinh chế từ vỏ trấu là Momilactones A (MA) và Momilactones B (MB) thông qua cơ chế điều hòa các protein liên quan (p-38, BCL-2, và caspase-3).
Ngoài ra, momilactone có thể ngăn chặn chu kỳ tế bào tại pha G2 (giai đoạn tổng hợp tất cả những gì cần thiết cho phân bào) bằng cách kích hoạt protein p-38 và ức chế hoạt động của phức hợp CDK1 và cyclin B1.
Việc phát hiện đặc tính của momilactone gây độc tế bào để chống lại tế bào ung thư được kỳ vọng là tiền đề cho các nghiên cứu và phát triển của các loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả dựa trên hợp chất này trong tương lai.
TS Nguyễn Văn Quân, Đại học Hiroshima, cho biết nhóm nghiên cứu đã làm rõ hơn về cơ chế hoạt động của MA, MB làm tăng quá trình hủy và kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt với một hàm lượng tương đương gây chết tế bào ung thư, hợp chất này hoàn toàn an toàn với tế bào thường.
Một số nghiên cứu trên thế giới trước đây từng chỉ ra tiềm năng chống ung thư của momilactone, tuy nhiên cơ chế hoạt động gây độc tế bào chưa được xem xét kỹ lưỡng. Các nghiên cứu chuyên sâu về hợp chất này rất ít do hợp chất này rất khó phân lập, tinh chế và giá thành rất đắt.
Phòng thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh, Đại học Hiroshima do GS.TS Trần Đăng Xuân đứng đầu là một trong số ít các phòng thí nghiệm trên thế giới có thể tinh chế momilactone từ các nguồn tự nhiên như lúa gạo.
Trong công bố hồi tháng 1-2019, nhóm tìm thấy và phân lập thành công 600mg MA và MB từ 30kg vỏ trấu.
GS Trần Đăng Xuân cho biết nhiều công ty dược trong và ngoài Nhật Bản đang cùng nhóm nghiên cứu phát triển tách chiết MA và MB theo quy trình công nghiệp, cũng như nghiên cứu lâm sàng để phát triển các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch, kháng ung thư, tiểu đường, mỹ phẩm.
Ông cho hay nhiều giống lúa tại Việt Nam đã cho kết quả bước đầu chứa hàm lượng MA và MB khá cao. Việc lai tạo các giống lúa mang hoạt tính y dược cao sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
TTO - TS Nguyễn Thị Hoàng Dương vừa được trao giải thưởng Eppendorf Award dành cho nhà khoa học dưới 35 tuổi năm 2022.
Xem thêm: mth.761731130112202-uart-ov-ut-uam-uht-gnu-oab-et-ehc-cu-tahc-ar-mit-teiv-coh-aohk-ahn/nv.ertiout