Theo chia sẻ của anh Trần Đức, vợ chồng anh ly hôn, con lớn 10 tuổi ở với mẹ, con nhỏ 7 tuổi ở với bố. Cuối tuần, đôi bên thi thoảng đi chơi chung hoặc đổi cho các cháu về thăm bố mẹ.
Gần đây, dịp cuối tuần đón con trai lớn từ nhà vợ cũ về, anh thấy con trai lớn có vẻ khác lạ nên tâm sự, gặng hỏi. Con anh cho biết, mẹ gần đây thường xuyên đưa đàn ông lạ về nhà và công khai "bày tỏ tình cảm".
Vợ anh phủ nhận, sau đó chặn liên lạc và không cho hai cha con gặp nhau.
"Tôi cởi mở trong chuyện vợ cũ có các mối quan hệ mới, nhưng tôi muốn cô ấy hành xử tế nhị hơn, vì con sắp tới tuổi dậy thì", anh chia sẻ.
Trong 758 độc giả nêu quan điểm trong thăm dò của VnExpress, phần lớn cho rằng việc phân định quyền nuôi con giữa anh Đức và vợ trong trường hợp này, phụ thuộc vào mong muốn của cháu nhỏ.
Độc giả Kawasaki Thuy đưa ra lời khuyên, người mẹ nếu có bạn trai, nên cư xử khéo léo để con trai cũng thích và mến người đó thì mẹ con mới vui vẻ và hoà thuận. "Không ai cấm chị không có nhân tình mà chị nên suy nghĩ và lo cho cảm giác con trai mình nhiều hơn xíu. Vì vốn dĩ nó đã phải sống xa bố rồi. Còn người chồng, nếu lo lắng cho con trai anh thì anh có thể hỏi con muốn ở với ai".
Phân tích tình huống của anh Đức, luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật FANCI, Hà Nội) nhận định, nếu anh Đức nhận ra rõ được sự thay đổi bất thường trong tâm lý con trai, sự việc có thể đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến cháu. Nếu không được tâm sự, giải đáp và giải quyết khúc mắc, về lâu dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Về mặt luật pháp, vợ anh Đức cũng không được quyền chặn liên lạc, không cho cha con thăm gặp. Cụ thể, Điều 82 và 83, Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con (tức anh Đức) có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình (tức phía vợ cũ anh Đức) không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, sau khi ly hôn, anh Đức hoàn toàn có quyền thăm con mà không ai được cản trở, kể cả vợ. Do đó, luật sư Hải khuyên anh Đức nên có những hành động cứng rắn để bảo vệ cháu nhỏ. Cụ thể, việc đầu tiên, anh nên làm đơn yêu cầu gửi đến cơ quan thi hành án, yêu cầu vợ cũ chấm dứt điều này. Cơ quan thi hành án sẽ có những biện pháp cưỡng chế buộc vợ và gia đình vợ thực hiện đúng nghĩa vụ theo bản án cũng như theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Hải, anh Đức cũng nên đề nghị các cơ quan bảo vệ trẻ em vào cuộc để bảo vệ cháu nhỏ như: Cục Bảo vệ trẻ em; Sở Lao động thương binh và xã hội; Hội phụ nữ; Cơ quan tổ chức phi chính phủ bảo vệ trẻ em và cơ quan chính trị địa phương. Với sự tư vấn khách quan cửa những cơ quan, tổ chức này, hy vọng vợ anh sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, để bảo vệ người con cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong mọi trường hợp, anh Đức hoàn toàn có quyền yêu cầu toà án thay đổi quyền nuôi con. Và lý do người vợ làm ảnh hưởng đến tinh thần của người con là hoàn toàn chính đáng.
Pháp luật quy định sẽ giao con cho người đảm bảo mọi khía cạnh về quyền lợi của người con như chăm sóc, đời sống tinh thần, nuôi dưỡng, giáo dục... quy định cụ thể tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Vậy, khi vợ cũ anh Đức vi phạm sẽ là cơ sở để yêu cầu Toà án thay đổi quyền nuôi con quy định tại Điều 84 luật hôn nhân và gia đình 2014.
Tuy nhiên, để có căn cứ khởi kiện giành quyền nuôi con và yêu cầu được Toà án chấp thuận, theo luật sư Hải, anh Đức cần thu thập các tài liệu chứng cứ minh minh con mình bị xâm phạm về tinh thần và các chứng cứ khác chứng minh vợ bạn không đảm bảo điều kiện tốt nhất để nuôi con. Tòa án có thể thay đổi quyền nuôi con, nếu nguyện vọng của cháu cũng đồng ý về ở với bố.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.9511354-ahn-ev-hnit-nahn-aud-neyux-gnouht-uc-ov-ihk-noc-ev-oab-gnouh/ten.sserpxenv