Độc giả Đỗ Thị Trang, 47 tuổi, quê Nam Định, sang Đức lao động từ năm 2009. Năm 2017, chị gửi tiền dành dụm về Việt Nam cho anh trai, nhờ mua giúp một căn hộ tại Hà Nội để đầu tư, giá hơn 4 tỷ đồng.
Người anh đứng tên là chủ sở hữu. Nay chị Tình về nước, muốn lấy lại căn hộ song người anh không sang tên. "Vì tin tưởng anh trai, khi gửi tiền mình không lập giấy tờ gì, cũng không có bất cứ chứng từ gì chứng minh, là người bỏ tiền mua căn nhà đó", chị chia sẻ. Chị Tình đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản.
Tương tự, chị Vũ Thị Liễu, 37 tuổi, trú tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm trước đi xuất khẩu lao động Nhật Bản và quen bạn trai tại đây. Hai người quyết định về nước sẽ cưới nên chia đôi tiền góp, gửi về nhờ cha mẹ anh mua đất.
Bố anh mua đất, tự đứng tên ông bà. Khi về nước, làm lễ cưới xong, chị Liễu nhắc chồng cần bảo cha mẹ chồng làm thủ tục sang tên đất, song chồng chị chần chừ, nói "để vậy có sao đâu".
Sáu năm sau, chồng chị Liễu trước khi mất dặn bố, mảnh đất có một nửa là của vợ. Song nay ông muốn bán đất, phủ nhận quyền lợi của chị Liễu và chồng. "Ông cần chữ ký của cả bốn con mới bán được đất. Mình đại diện cho phần của chồng, chỉ biết phản đối bằng cách nhất quyết không ký, trong khi rõ ràng, tài sản là của vợ chồng mình", chị Liễu nói.
Luật sư Phạm Thanh Bình nhận định, để tránh các rủi ro tương tự hai trường hợp chị Trang, chị Liễu khi nhờ người khác mua giúp nhà, đất, độc giả cần lưu ý ba điều sau:
Thứ nhất: Đảm bảo rằng chủ sử dụng mảnh đất bạn muốn mua là chủ sử dụng đất hợp pháp; đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người chuyển nhượng (đất chính chủ); đất không nằm trong quy hoạch, không có tranh chấp.
- Trường hợp bạn mua đất chưa được được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đất phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất đáp ứng được điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
Thứ hai, làm hợp đồng ủy quyền khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-Ưu điểm của việc ủy quyền này là: Dù bạn ở nước ngoài nhưng bạn vẫn có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo như mong muốn của bạn. Ngoài ra, khi bạn ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người đứng tên trên sổ đỏ vẫn là bạn.
Người được ủy quyền thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ là người thay mặt bạn ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện các thủ tục sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủ tục ủy quyền cụ thể như sau:
Bước 1: Bên ủy quyền hiện đang sinh sống tại nước ngoài liên hệ cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để công chứng hợp đồng ủy quyền.
Bước 2: Sau khi công chứng hợp đồng ủy quyền tại nước ngoài, người ủy quyền gửi hợp đồng đó kèm theo giấy tờ tùy thân (bản sao Hộ chiếu, Thẻ cư trú có chứng thực) về Việt Nam cho người được ủy quyền;
Bước 3: Người nhận ủy quyền mang hợp đồng ủy quyền đó đến tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam để công chứng hợp đồng ủy quyền thụ ủy hay còn gọi là hợp đồng công chứng hai nơi.
Bước 4: Người nhận ủy quyền ký tên vào bên nhận ủy quyền trong hợp đồng, tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam thực hiện công chứng hợp đồng đó.
Bước 5: Người nhận ủy quyền dùng hợp đồng ủy quyền đó để thay mặt người ủy quyền đi ký hợp đồng mua đất ở Việt Nam và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng tên chủ sử dụng đất từ người chuyển nhượng sang tên người ủy quyền.
Thứ ba, người ủy quyền cũng nên lưu giữ chứng từ chuyển tiền cho người nhận ủy quyền hoặc các thư từ, email, tin nhắn... giao dịch với người chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với người nhận ủy quyền liên quan đến việc ủy quyền (nếu có) để giảm thiểu tối đa rủi ro có thể gặp phải và sử dụng trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Xem thêm: lmth.2422354-tad-aum-ohn-coun-ev-neit-iug-ihk-or-iur-hnart-ed-ohn-nac-ueid-ab/ten.sserpxenv