Sau hai năm dịch, mảng du lịch trực tuyến (bao gồm việc tiếp thị, bán các dịch vụ du lịch qua mạng) thiệt hại nặng nề. Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company mới công bố cho biết, quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam từ 5 tỷ USD năm 2019 - trước dịch - đã giảm còn một tỷ USD vào 2021.
Đến 2022, thị trường đã phục hồi nhưng quy mô chưa bằng một nửa, ở mức 2 tỷ USD, chỉ cao hơn Philippines trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Dù vậy, thị trường này được đánh giá sẽ tăng trưởng lại với tốc độ 39% mỗi năm và đạt giá trị 6 tỷ USD vào 2025.
Đó chính là miếng bánh mà những người còn sống sót qua mùa dịch, từ công ty lữ hành, đơn vị lưu trú, giải trí, ẩm thực, vận tải, đến các OTA (đại lý du lịch trực tuyến), đang tranh thủ "xí phần".
Chị Tăng Thị Huyền Trân, Giám đốc Fabulous Mekong Ecotours tại Cần Thơ, cho hay hiện khách du lịch quốc tế tham gia tour của công ty có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa nhiều. Mỗi tháng, lượng khách tăng khoảng 10%.
Khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn thưa thớt, nhưng Huyền Trân đã có một lượng khách đặt trước cho mùa cao điểm bắt đầu từ tháng 12. Dự đoán quý cuối năm của công ty, lượng khách sẽ tăng lên 10-20%.
Góp phần vào triển vọng này, theo Trân là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dữ liệu, tiếp thị, thông qua việc tăng kết nối với OTA chạy quảng cáo online. Công ty cô đang tập trung xây dựng nền tảng web, không chỉ để bán tour mà còn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đặc trưng bản địa.
"Chuyển đổi số là việc buộc phải làm. Thật sự khó khăn khi mỗi ngày phải thích nghi, tìm hiểu, tìm tư vấn về công nghệ và chuyển đổi từ phong cách làm việc truyền thống. Tuy nhiên khi làm được rồi quản lý dễ hơn, nhanh và sâu sát hơn, nhất là về mặt dữ liệu", Trân nói.
Theo Huyền Trân, khi người dùng đang vào xem thông tin trên website công ty cô nhiều hơn, biết về Miền Tây cũng như văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long hơn, từ đó sẽ tạo ra nhu cầu tương lai về du lịch đến nơi này.
Thực tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong hệ sinh thái du lịch đang chú trọng hơn việc ưu tiên sử dụng nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Theo khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự ưu tiên này trong nhóm lưu trú ăn uống là 55%, nghệ thuật - vui chơi - giải trí (62%), vận tải - kho bãi (59%).
Làm việc với các nhà cung cấp, bà Michelle Ho, Giám đốc KLook thị trường Philippines, Thái Lan & Việt Nam, cũng xác nhận đối tác Việt Nam rất chủ động chuyển đổi số. "Họ có nhu cầu và thấy sự cần thiết phải số hóa", bà nói.
Không chỉ vì triển vọng dài hạn, chính lượng khách thưa thớt hiện tại cũng là động lực để cuộc đua trên môi trường online của các doanh nghiệp thêm tăng tốc. Chín tháng đầu năm, dù khách nội địa đạt khoảng 87 triệu lượt, vượt kế hoạch cả năm là 60 triệu nhưng khách quốc tế chỉ 1,7 triệu. Con số này rất khiêm tốn so với 12,8 triệu lượt vào 9 tháng đầu năm 2019, tức trước dịch.
Trong miếng bánh hiện eo hẹp này, các doanh nghiệp nội địa lẫn nước ngoài đều đang chạy đua hút khách về phía mình. Chiến lược phổ biến hiện là đa dạng hóa sản phẩm trên một nền tảng, liên kết lẫn nhau và chi tiêu cho khuyến mại.
Klook trước nay chỉ bán tour, vé tham quan, nay bắt đầu bán cả phòng khách sạn và cho thuê xe. Cung cấp khoảng 20.000 phòng ở Việt Nam, Booking nay cũng bán tour thông qua một hợp tác với Klook vào đầu tháng 10. Hay như Agoda chuyên về đặt phòng nay cũng bán cả vé máy bay.
"Năm nay là một cột mốc đặc biệt đối với ngành du lịch", Matthias Schmid, Phó chủ tịch mảng Chuyến đi của Booking.com nhận định. Theo ông, khi mọi người mong muốn du lịch trở lại, họ sẽ ưu tiên các trải nghiệm.
Không chỉ liên kết lẫn nhau, các OTA ngoại cũng bạo tay chi cho khuyến mại. Giá phòng và vé máy bay trên "ông lớn" Trip luôn rất cạnh tranh, trong khi Traveloka liên tục tung ưu đãi. Hợp tác với ShopBack, khách đặt dịch vụ của họ còn có thể được hoàn tiền đến 5,5%.
"Họ đốt hàng triệu USD ở Việt Nam và sẵn sàng đốt hàng chục năm. Các doanh nghiệp Việt không thể làm như vậy thì cần sự hỗ trợ hệ sinh thái của người Việt", ông Nguyễn Hoàng Lê, Nhà sáng lập kiêm CEO công ty tư vấn chuyển đổi số Dr SME, nhận xét.
Một số OTA nội địa cũng nhận ra không thể chậm chân. Tháng 9, Gotadi - thuộc HG Holdings, tung ra bộ giải pháp Gotadi BTM dành cho khách hàng doanh nghiệp. Về cơ bản, đây là nền tảng giúp doanh nghiệp quản trị đi lại, công tác cho nhân viên một cách tự động, trơn tru hơn về thủ tục lẫn tài chính.
Bằng cách này, họ khai thác một phân khúc khác mà các OTA quốc tế không có thế mạnh, bên cạnh việc vẫn tung ra ứng dụng đa dịch vụ du lịch cho khách lẻ. Để thâm nhập sâu hơn vào hệ sinh thái doanh nghiệp, đầu tháng 10, họ ký hợp tác với VCCI-HCM để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số du lịch.
"Chuyển đổi số được nhận định là một xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết, nhằm hỗ trợ du lịch phục hồi, phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới", ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM, nói.
Nhìn rộng ra, theo ông Liên, do tính cạnh tranh ngày càng cao giữa các quốc gia trong lĩnh vực du lịch nên việc nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng dịch vụ thuận tiện bằng áp dụng nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến.
Tuy nhiên, cuộc đua du lịch trực tuyến muốn bền vững, vấn đề cốt lõi là chất lượng trải nghiệm của khách phải phát triển song song. Huyền Trân cho hay luôn đánh giá cải thiện liên tục dịch vụ, do sản phẩm của công ty kết nối sinh kế của người địa phương. "Chúng tôi ý thức được việc mình đang làm có ý nghĩa như thế nào để tạo lên bức tranh chung của ngành", cô nói.
Viễn Thông