Thủy sản lần đầu vượt mốc xuất khẩu 10 tỉ USD
Thủy sản Việt Nam khẳng định vị thế tốp 3 thế giới về xuất khẩu. Các ngành chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ và hải sản khai thác đều tăng trưởng 2 con số.
Tháng 11 này, ngành thủy sản sẽ ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt mốc 10 tỉ USD, "về đích" trước kế hoạch đề ra cho cả năm 2022 hơn 1 tháng. Đây là thành tựu đáng ghi nhận, chứng minh sự kiên trì, bền bỉ và thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp (DN) trong một năm thế giới xảy ra nhiều biến động và khó khăn.
Không phải nhờ "ăn may"
Theo thống kê của hải quan, tính đến hết tháng 10-2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỉ USD - tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành hàng xuất khẩu chính như tôm, cá tra, cá ngừ, mực - bạch tuộc đều tăng trưởng 2 con số.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo với kết quả trên, đến tháng 11-2022, doanh số xuất khẩu sẽ chạm mốc 10 tỉ USD - mốc kỷ lục lịch sử của ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia thị trường thế giới.
"Với kết quả của năm 2022, ước tính thủy sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần thương mại thủy sản toàn cầu. Việt Nam giữ vững vị trí thứ 3 trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy - 2 quốc gia có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam" - VASEP so sánh.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết năm 2022, thị trường có nhiều khó khăn và biến động đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, các DN đã rất kiên trì, bền bỉ và thích ứng linh hoạt với tình hình để đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường có nhu cầu. Điển hình như ngành tôm, dù doanh số thị trường lớn là Mỹ bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng toàn ngành vẫn tăng trưởng nhờ khả năng đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế mà các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại.
"Cột mốc 10 tỉ USD mà ngành thủy sản sắp chạm đến không phải nhờ ăn may mà tổng hòa nhiều yếu tố, như sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng để duy trì chuỗi sản xuất, sự hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại và nội lực của các DN" - ông Hòa đánh giá.
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh An Giang cho thấy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản 10 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 160.000 tấn, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, chiếm tỉ trọng cao nhất là thị trường châu Á (51,04%); số còn lại xuất khẩu qua 21 nước châu Âu, 18 nước châu Mỹ, 3 nước châu Đại Dương và 7 nước châu Phi.
Nổi bật nhất là Công ty CP Tập đoàn Nam Việt, xếp thứ 3/5 DN xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, Nam Việt đã xuất khẩu 5 container cá tra sang Mỹ vào tháng 8-2022, mở rộng cánh cửa vào thị trường nước này sau một thời gian bỏ ngỏ.
Sở Công Thương tỉnh An Giang dự báo từ nay đến cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra của tỉnh sang những thị trường mà Việt Nam có FTA sẽ tiếp tục lạc quan do nhu cầu tăng mạnh để chuẩn bị cho những ngày lễ cuối năm.
Chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp ở Cà MauẢnh: VÂN DU
Nhiều "đại gia" thắng lớn
Việt Nam có khoảng 1.500 DN tham gia xuất khẩu thủy sản. Trong đó, 100 DN xuất khẩu hàng đầu có tổng giá trị xuất khẩu đạt 5,3 tỉ USD, chiếm 62% toàn ngành. Tốp 10 DN xuất khẩu lớn nhất tập trung ở 2 ngành hàng tôm và cá tra.
Công ty CP Vĩnh Hoàn là DN xuất khẩu lớn nhất, có doanh số xuất khẩu 317 triệu USD - tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 10.755 tỉ đồng, tăng 69,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.815 tỉ đồng, tăng 179,7%.
Có doanh số xuất khẩu lớn thứ 2 với gần 277 triệu USD là Công ty CP Thủy sản Minh Phú, với 7.284 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ tập trung vào các sản phẩm chế biến sẵn, lợi nhuận của Minh Phú đạt 518 tỉ đồng trước thuế, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) nằm trong "tốp 10" DN thủy sản lớn nhất Việt Nam với doanh số gần 102 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021. Công ty này cũng sắp đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 là 20 tỉ đồng. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước, cho hay đến nay, doanh số xuất khẩu đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Dù vậy, DN cũng gặp nhiều áp lực về chi phí tăng cao và cạnh tranh gay gắt từ tôm Ecuador giá rẻ ở thị trường Mỹ.
Theo VASEP, thành quả đạt được của ngành thủy sản đến thời điểm hiện nay rất đáng khích lệ. Song, do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, trước mắt, ngành phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. DN trong ngành đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khách hàng hoãn hoặc hủy hợp đồng.
"Lạm phát, suy thoái kinh tế đang hiện hữu tại các thị trường nhập khẩu nên nhu cầu sụt giảm là thách thức rất lớn đối với các DN. Tuy nhiên, bài học từ những năm qua cho thấy sự kiên trì chống chọi là bí quyết để các DN có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn" - Tổng Thư ký VASEP nhìn nhận.
Nhiều việc cần làm ngay
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), nhận xét chủ lực của ngành thủy sản là tôm nuôi nước lợ và cá tra. Trong khi cá tra đang có nhiều cơ hội thị trường thì con tôm gặp khó về nguồn cung do dịch bệnh. Chưa kể, thông tin bất lợi là tôm Ecuador trúng mùa, giá rẻ đang tấn công mạnh cả thị trường Bắc Mỹ lẫn Tây Âu và nhất là Trung Quốc.
"Nút thắt ngành tôm Việt Nam là giá thành nuôi cao vì tỉ lệ nuôi thành công thấp. Do đó, cần quy hoạch rõ các vùng nuôi trọng điểm ở từng địa phương và đầu tư thủy lợi; quy định chặt chẽ và quản lý, kiểm soát tôm giống thực chất hơn, hạn chế tối đa tôm giống kém chất lượng lưu thông, mua bán trên thị trường. Cùng với đó, cần xem xét hạn điền và các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm để có nhiều trang trại lớn đạt chuẩn ASC - là giấy thông hành để tận dụng FTA với EU" - ông Lực kiến nghị.
Xem thêm: mth.17500221260112202-od-urt-al-peihgn-gnon/et-hnik/nv.moc.dln