Ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi bán xăng dầu qua thùng, can, chai.
Sáng nay, 7-11, Bộ Công Thương tiếp tục phát đi thông tin với mục đích làm rõ hơn về chỉ đạo này.
Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định hiện tại pháp luật không có qui định cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, can đem về. Bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy… mà rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như vận hành máy xay sát tại nhà, chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại động cơ khác…
Bộ Công Thương cho biết chỉ xử lý hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, chứ không phải hành vi mua xăng bằng can, chai, thùng và các vật chứa khác. Ảnh minh hoạ: PHAN HẬU |
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, việc bán xăng dầu qua can, thùng, trụ xăng mini thường không đảm bảo an toàn cháy nổ, không tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo quy định của pháp luật đối với kinh doanh xăng dầu - mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, việc tích trữ xăng dầu không có thể gây cháy nổ nếu không bảo đảm an toàn. Theo Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương đã nêu rõ là chỉ xử lý đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, chứ không phải hành vi mua xăng bằng can, chai, thùng và các vật chứa khác” - Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng dẫn quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dầu khí, theo Điều 35, Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
"Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật, được UBND tỉnh cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó”.
“Nhiều người nhầm tưởng hành vi mua xăng qua thùng, can, chai là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với thương nhân kinh doanh xăng dầu" - Bộ Công Thương cho biết.
Trước đó, ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trong đó có nội dung: “Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác,…”.
Theo Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt và ngành kinh doanh có điều kiện nên việc kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ quy định của pháp luật, phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp phép. Mặt khác, người kinh doanh buôn bán, vận chuyển xăng dầu phải đáp ứng nhiều quy định về kho chứa, phòng cháy – chữa cháy, chất lượng, nhân viên; pháp luật nghiêm cấm tích trữ để đầu cơ mua bán xăng dầu trái phép với mục đích kiếm lời…