Trường đại học Việt - Đức được thiết kế theo mô hình campus với nhiều tòa nhà đồng bộ, trong khuôn viên rộng rãi lên tới 50,5ha, lô góc giữa hai trục đường giao thông quan trọng kết nối TP.HCM - Bình Dương là quốc lộ 13 và vành đai 4 TP.HCM
Ngày 7-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Trường đại học Việt - Đức (trường công lập thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết sẽ chính thức đưa trụ sở chính của nhà trường vào hoạt động kể từ năm học 2022 - 2023. Đây là sự kiện quan trọng với nhà trường, sau nhiều năm trường đại học này phải đi mượn trụ sở, nay đã "an cư lạc nghiệp".
Dự án Trường đại học Việt - Đức được khởi công từ tháng 10-2016 tại khu đất rộng tới 50,5ha nằm mặt tiền quốc lộ 13 giao với đường vành đai 4 TP.HCM, tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Tổng mức đầu tư dự án lên tới 200 triệu USD (gần 5.000 tỉ đồng - tính theo tỉ giá hiện tại), trong đó phần lớn là vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 154.000m2.
Khuôn viên trụ sở chính của Trường Đại học Việt - Đức được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái đô thị đại học, bao gồm đầy đủ các hạng mục: khu giảng đường, các tòa nhà học thuật của các khoa, ngành; 21 phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ sinh viên, giảng viên như: thư viện, hội trường, nhà điều hành, trung tâm thể thao, ký túc xá…
Là trường đại học có các giáo sư Đức trực tiếp tới giảng dạy cùng giảng viên Việt Nam, Trường đại học Việt - Đức có tỉ lệ sinh viên quốc tế đến học cao, chiếm tới 4,6% tổng sinh viên.
Cơ sở vật chất của Trường đại học Việt - Đức đáp ứng quy mô đào tạo mức 6.000 sinh viên vào năm 2030 theo tiêu chuẩn của các đại học Đức và quốc tế. Hiện trường đang đào tạo khoảng 2.400 sinh viên Việt Nam và 70 sinh viên các nước.
TS Hà Thúc Viên - phó hiệu trưởng Trường đại học Việt - Đức, cho biết là trường đại học hợp tác giữa Việt Nam và Đức nên chương trình đào tạo, chất lượng được đảm bảo theo các tiêu chuẩn khắt khe của Đức và có sự giao lưu với quốc tế cao. Trong hơn 14 năm kể từ khi hoạt động, Trường đại học Việt - Đức đã có hơn 1.500 lượt giáo sư từ các đại học Đức sang trực tiếp giảng dạy, có tỉ lệ sinh viên quốc tế đến trường tham gia học tập cao (từ 20 quốc gia), chiếm tới 4,6% tổng số sinh viên.
Sinh viên theo học tại Trường đại học Việt - Đức có tới 40% được học kỳ cuối cùng tại các đại học tại Đức thông qua các suất học bổng mà nhà trường hợp tác với các quỹ, hiệp hội và doanh nghiệp tài trợ.
Hội trường lớn được thiết kế với kiến trúc hiện đại, có thể bố trí sân khấu, ghế linh hoạt để đáp ứng các sự kiện khác nhau của sinh viên, giảng viên
Với sự đầu tư bài bản của Nhà nước, cùng sự hỗ trợ của các giáo sư, các trường đại học Đức nên mở ra cơ hội "du học tại chỗ" cho nhiều sinh viên Việt Nam
Trường có các khối nhà học thuật và ký túc xá rộng rãi cho các giảng viên từ các nơi tới giảng dạy và sinh viên, học viên ở lại trường
Các máy móc hiện đại được đầu tư bài bản để phục vụ nghiên cứu
Nhà thi đấu thể thao trong khuôn viên nhà trường
Trường đại học Việt - Đức được quan tâm dành quỹ đất lớn nên đủ rộng để vừa xây dựng các công trình phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, vừa có các mảng xanh mát ngay trong khuôn viên nhà trường
TTO - Đó là yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm và làm việc tại Trường đại học Việt - Đức ở tỉnh Bình Dương ngày 4-10 đối với nhà trường, các cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ GD-ĐT.