"Đần độn", "kém cỏi" và "mất trí"... là những thuật ngữ khắc nghiệt thường được sử dụng trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi đề cập đến những người chậm phát triển trí tuệ. Nhằm cải thiện "chất lượng giống nòi", thuyết ưu sinh ra đời, khuyến khích nhân giống các cá nhân "đặc biệt ưu tú" và hạn chế tối đa nguồn gen "xấu", vì lợi ích chung của cộng đồng.
Các biện pháp bao gồm cấm kết hôn với người IQ thấp, ngoại hình không ưa nhìn, cưỡng bức triệt sản với những người "không thích hợp để sinh sản", gồm những người khuyết tật về tinh thần hoặc thể chất, IQ thấp, tội phạm, đồng tính, người dân tộc thiểu số...
Thuyết ưu sinh trỗi dậy mạnh mẽ ở Anh, sau đó lan sang khắp châu Âu, Australia, Canada và Mỹ. Nhiều người Mỹ nổi tiếng, trong đó có cả Tổng thống Theodore Roosevelt, cũng ủng hộ phong trào ưu sinh, khuyến khích các Tiểu bang tổ chức hội chợ thi "bé khỏe bé ngoan".
Harry Hamilton Laughlin, Giám đốc Văn phòng Hồ sơ Ưu sinh tại New York, đã xuất bản Triệt sản ưu sinh tại Mỹ, năm 1922 với tuyên bố rằng nếu Luật triệt sản ưu sinh được mọi bang áp dụng, "một phần mười dân số vô giá trị nhất của chúng ta hiện nay sẽ bị loại bỏ trong vòng hai thế hệ".
Luật được một số bang thông qua, trong đó quy định các trại tâm thần, trung tâm bảo trợ xã hội có quyền triệt sản bắt buộc bệnh nhân, người "gen xấu" không được kết hôn. Luật cũng yêu cầu kiểm tra y tế trước khi cấp giấy đăng ký kết hôn, để đảm bảo người "không phù hợp" không có điều kiện duy trì nòi giống.
Song Luật ưu sinh cũng vấp phải nhiều chỉ trích, bị một số thống đốc bang công khai phủ quyết. "Con người không chỉ là con vật. Luật triệt sản là vi hiến", người đứng đầu bang Nebraska năm 1913 nêu quan điểm.
Tại Virginia, Luật được thông qua ngày 20/3/1924. Song từ 14 năm trước, họ đã lập ra Trung tâm điều trị khuyết tật trí tuệ (Trung tâm), với mục tiêu cách ly những người bị thiểu năng trí tuệ và các tính chất không phù hợp để sinh sản, ra khỏi xã hội.
Tháng 8/1924, Giám đốc Trung tâm trình lên Hội đồng thành phố danh sách 18 bệnh nhân đủ điều kiện triệt sản bắt buộc. Họ đều là nữ, bị buộc phải triệt sản và cắt bỏ ngực. Trong số này có Carrie Buck.
Carrie sinh ra trong tầng lớp nghèo khó, mẹ cô là bà góa, hành nghề mại dâm để nuôi ba con. Bị phán xét là đạo đức kém, các đứa trẻ lần lượt bị cho làm con nuôi. Carrie được chính quyền chỉ định cho gia đình nhà Dobb giáo dưỡng khi mới 3 tuổi. Cô gái được cho đi học, phát triển bình thường, làm việc đồng áng giúp cha mẹ nuôi.
Khi 17 tuổi, cô bị con trai nhà Dobb cưỡng hiếp đến mang thai. Xấu hổ vì sự việc, cha mẹ nuôi hứa giữ lại đứa bé và chăm sóc tử tế, với điều kiện Carrie phải nhận mình bị đần độn, chậm phát triển và đạo đức suy đồi, uộc cô phải vào Trung tâm điều trị khuyết tật trí tuệ của bang. Bốn tháng trước, mẹ đẻ của cô cũng vừa bị vào đây vì "nhân cách xấu".
Giám đốc Trung tâm đánh giá, Carrie và mẹ đẻ thiểu năng, nhân cách xấu, ngoại hình không ưa nhìn, nên chắc chắn đứa trẻ cô vừa sinh ra cũng sẽ khuyết tật như bà ngoại và mẹ. Cả hai mẹ con cô được coi là "thử nghiệm hoàn hảo" cho Luật này, và hai người đều có tên trong danh sách 18 người bị triệt sản bắt buộc. Carrie sẽ trở thành người đầu tiên bị triệt sản theo Đạo luật Triệt sản Virginia.
Người giám hộ xã hội của Carrie quyết định kháng lại quyết định triệt sản này lên Tòa án quận Amherst. Vụ án được tranh tụng từ ngày 18/11/1924.
Phía luật sư của Trung tâm điều trị nêu kết quả bài kiểm tra IQ với Carrie và mẹ ruột, trong đó tuổi tâm thần của Carrie là 9, trong khi của mẹ cô là 7. "Bất cứ người trưởng thành đạt tuổi IQ 6-9 đều được coi là nguồn gen xấu. Đặc điểm này là di truyền, không phải do môi trường", luật sư nêu. Con gái 8 tháng tuổi của Carrie bị phía bị đơn đánh giá "trông không bình thường, phờ phạc, phản ứng chậm".
Luật sư của Carrie, do Tòa án chỉ định, đồng thời là bạn thân của Giám đốc Trung tâm, hầu như không gọi nhân chứng hay đưa ra quan điểm bào chữa. Tòa án đứng về phía bị đơn. Năm 1925 và 1926, Carrie lần lượt kháng cáo 2 lần lên Tòa án bang Virginia và Tòa án Tối cao Mỹ.
Phía bị đơn vẫn đưa ra 3 lập luận chính. Thứ nhất, Luật triệt sản của Virginia không áp đặt hình phạt tàn nhẫn và bất thường. Thứ hai, Luật này chỉ áp dụng cho những đối tượng đã được kiểm tra y tế kỹ lưỡng, đúng thủ tục luật pháp. Thứ ba, nó xuất phát từ nghĩa vụ của nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng. Họ nhấn mạnh rằng triệt sản những người IQ thấp sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội nói chung.
Luật sư sau này của Carrie lập luận, Luật triệt sản đã tước đi quyền của công dân, được bảo vệ bình đẳng của luật pháp. Tu chính án 14 của Hiến pháp tuyên bố rằng không nhà nước nào được "tước đoạt mạng sống, quyền tự do hoặc tài sản của bất kỳ người nào mà không có thủ tục pháp lý đúng mức; cũng không từ chối bất kỳ người nào trước sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật".
Tất cả những diễn biến và lập luận này đều bị cả hai cấp Tòa án tiếp tục bác bỏ. Cuối cùng, khi Tòa án Tối cao tuyên phần thắng thuộc về bị đơn, Carrie bị Trung tâm điều trị chính thức triệt sản, tháng 10/1927, sau đó đuổi khỏi trung tâm.
Các nhà sử học và nghiên cứu sau này đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cả Carrie Buck và con gái cô đều không mắc bất kỳ bệnh tâm thần nào và việc triệt sản của Trung tâm dựa trên một chẩn đoán sai lầm. Carrie sau đó kết hôn và qua đời bình yên tại viện dưỡng lão năm 1983.
Sau Carrie Buck, 8.300 người Virginia khác đã trải qua biện pháp triệt sản bắt buộc, đến khi nhận thức y tế cao hơn và có cái nhìn đúng đắn hơn về chứng thiểu năng. Luật triệt sản cuối cùng bị bãi bỏ vào đầu những năm 1970, tại Virginia là 1974. Trong suốt hơn nửa thế kỷ nước Mỹ bị đầu độc bằng thuyết ưu sinh, hơn 70.000 công dân đã trở thành nạn nhân của nó.
Ngày 2/5/2002, kỷ niệm 70 năm ngày ra bản án về vụ của Carrie Buck, Thống đốc bang Virginia, Mark Warner, đã xin lỗi về chương trình ưu sinh của Virginia, gọi đó là "nỗ lực đáng xấu hổ mà lẽ ra chính quyền bang không nên tham gia".
Ngôn ngữ đề cập đến thuyết ưu sinh đã bị xóa khỏi luật triệt sản của Virginia và luật Mỹ hiện hành, được thông qua vào năm 1988 và được sửa đổi vào năm 2013. Theo đó, chỉ cho phép triệt sản tự nguyện đối với những người từ 18 tuổi trở lên, sau khi bệnh nhân đồng ý bằng văn bản và bác sĩ đã thông báo cho bệnh nhân về hậu quả cũng như các phương pháp tránh thai thay thế. Vụ án cũng là động lực và ảnh hưởng to lớn đến Luật người khuyết tật của Mỹ sau này.
Tuy vậy, bản án sai trái trong vụ này chưa bao giờ được lật ngược hay xóa bỏ. Đến nay nó vẫn là một trong những phán quyết vô nhân đạo và tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ.
"Ba thế hệ đần độn là quá đủ", những lời phán quyết đầy miệt thị của Thẩm phán tòa tối cao khi đó, Oliver Wendell Holmes Jr. trở thành câu nói được trích dẫn nhiều nhất sự nghiệp của ông, tất nhiên với thái độ đầy chỉ trích của hậu thế.
Hải Thư (Theo History, Embryo, Oyez, Jstor)
Xem thêm: lmth.9152354-yk-eht-tom-nag-ym-coun-er-aihc-ed-hnis-gnan-ueiht-iougn-mac-taul/ten.sserpxenv