Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Ảnh: PHẠM THẮNG
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng luật hiện hành quy định trường hợp cần thiết Nhà nước lập quỹ bình ổn nhưng thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông Giang nhận xét vừa qua, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu "rất có vấn đề".
Theo quy định, nguồn hình thành quỹ này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít).
Ông Giang ví von một bà nội trợ hôm trước đi mua hàng hóa rẻ, bảo bà bán hàng "cho tôi gửi 300 đồng, mai tôi đi mua nếu hàng đắt hơn thì bà phải bù cho tôi".
Ngoài ra giá thế giới liên tục tăng như vừa qua thì quỹ bình ổn bị âm, khi giá thế giới giảm thì sẽ trích lập lại vào quỹ cho tới khi quỹ dương trở lại.
Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm, các chuyên gia đã phân tích điều này.
Cũng có thống kê cho thấy, một năm qua mặt hàng dầu đã trích lập nhiều hơn nhưng được bù ít hơn, còn xăng trích ít hơn lại được bù giá nhiều hơn từ quỹ. Từ phân tích này, ông Giang đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Giang cho rằng tương tự với danh mục hàng hóa bình ổn, luật sửa đổi đưa ra danh mục do Nhà nước định giá và trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung danh mục.
Đây là việc can thiệp vào thị trường, nên nếu can thiệp phải rất minh bạch mới đảm bảo được các yếu tố của thị trường.
Về dài hạn nên nghiên cứu bỏ
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng cơ quan soạn thảo chưa đánh giá có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không trong bối cảnh tới đây sẽ xem xét điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt liên quan đến mặt hàng xăng dầu.
"Nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì phải xem lại việc duy trì, cách vận hành quỹ này", ông Long nói, hiện tại việc duy trì quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần thì cần xem xét.
Phân tích tình hình thực tế nguồn cung xăng dầu vừa qua chịu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới và trong nước, ông Long cho rằng dù tồn tại quỹ này cũng "tác động không lớn lắm".
"Khi nguồn cung không đảm bảo thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng không giải quyết được gì. Có nghĩa chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng rất nghiêm trọng về nguồn cung.
Do vậy tác động của quỹ này không lớn đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá", ông Long nêu.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nói nếu giữ quỹ này thì phải đánh giá rất kỹ. "Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ ở giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ", ông An nói.
Đại biểu phân tích thực chất quỹ này không phản ánh tính chất "bình ổn" như các loại quỹ bình ổn thông thường. Bởi có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá thế giới tăng quỹ này không có tác động đến giá xăng dầu.
Ông An lưu ý thêm thực chất quỹ này hình thành qua trích lập từ giá mua do người tiêu dùng trả, giao cho doanh nghiệp quản lý. Theo ông, xăng dầu là loại hàng đặc biệt, chúng ta có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí.
Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) đồng tình quan điểm duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng cần có nguyên tắc và giới hạn về thời gian.
"Nếu tình hình giá xăng dầu kéo dài, biên độ lớn thì quỹ đảm bảo được không?" - ông đặt câu hỏi và cho rằng "cái gì cũng có tính hai mặt" khi duy trì quỹ.
Ông cho rằng đã có nghị định về vận hành quỹ nên tổng kết để mọi người biết về vấn đề tạo nguồn thu của quỹ, mức độ điều chỉnh thời gian bao nhiêu, biên độ bao lâu cho phù hợp. Còn khi giá ổn định thì để giá vận hành theo thị trường. Do vậy chỉ vận hành quỹ trong thời gian ngắn.
TTO - Trước đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Luật giá sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có đánh giá, tổng kết cụ thể về hoạt động trích, sử dụng quỹ.