Đáng nói, với thị trường chứng khoán, tác động của tin đồn cũng giống như một chuỗi domino, không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp đó, mà còn ảnh hưởng rất nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp khác liên quan. Phản ứng chuỗi vì thế có thể kéo dài một cách khó lường.
Một mã cổ phiếu giảm sàn 4 phiên liên tiếp từ ngày 21 - 26/10 sau khi có tin đồn về quy mô tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu. Dù đà rơi đã dừng lại ngay khi lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng làm rõ rằng doanh nghiệp vẫn đảm bảo đầy đủ chuẩn mực cả trong nước và quốc tế, nhưng giá cổ phiếu vẫn không thể phục hồi được như trước.
"Trao đổi, đối thoại, thông cáo báo chí phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên trong bối cảnh chung, chỉ một doanh nghiệp không giải quyết được hết vấn đề, mà cần có định hướng chung", ông Điêu Ngọc Tuấn, Giám đốc Quản trị, Pháp chế và Tuân thủ VNDIRECT, cho biết.
Hay như Công ty CP Thế giới di động, cổ phiếu cũng giảm điểm liên tục từ 28/10 tới nay sau khi xuất hiện tin đồn trên một số hội nhóm mạng xã hội thông tin không đúng về các khoản đầu tư ngắn hạn của doanh nghiệp.
"Những thông tin thất thiệt như vậy làm xáo trộn hoạt động của công ty, ảnh hưởng đến niềm tin của cổ đông và đối tác, cũng như gây ra sự hoang mang cho nội bộ công ty", ông Đặng Thanh Phong, Phụ trách Truyền thông Công ty CP Thế giới di động, cho hay.
Trong bối cảnh 90% dòng tiền trên thị trường thuộc về các nhà đầu tư cá nhân, với nhiều cảm xúc nhưng lại ít công cụ phân tích bài bản, tin đồn thất thiệt tạo hiệu ứng tâm lý đám đông, tác động rất lớn đến thị trường chung.
"Khi tôi là nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường, khi thị trường sụt giảm, tôi biết tin đồn đó là vô căn cứ, nhưng thị trường vẫn tiếp tục sụt giảm, làm cho việc cung cấp dịch vụ phải dừng lại, dẫn đến việc các công ty chứng khoán sẵn sàng giải chấp, bán cổ phiếu các nhà đầu tư để thu tiền. Giá cổ phiếu giảm trong một giai đoạn đoạn nào đó sẽ ảnh hưởng tới kết quả thực hiện của công ty chứng khoán", ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest, thông tin.
"Một số doanh nghiệp khi cổ phiếu bị bán quá nhiều thì cổ phiếu đó bị bán mạnh, ngay cả những chủ doanh nghiệp, những nhà đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp đó cũng bị bán giải chấp trên thị trường", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt, nói.
Cũng giống như hiệu ứng domino, nhưng tin đồn lại khác ở chỗ là chưa ai có thể lường trước được chiếc domino cuối cùng sẽ nằm ở đâu.
Không để thông tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường
Rõ ràng hiệu ứng domino mang tên tin đồn trên thị trường chứng khoán có thể kéo dài không có điểm dừng. Tuy nhiên để dừng lại hiệu ứng chuỗi, vai trò của mỗi một chiếc domino lại trở nên vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Duy Khoa (nhà đầu tư cá nhân) đã trải qua gần 20 năm trên thị trường chứng khoán. Tin đồn với ông trở thành một phần không thể tránh khỏi trên thị trường, quan trọng là cách ứng xử như thế nào.
"Bản thân tôi thu nạp trong đầu hàng ngày mấy chục thông tin tin đồn ngoài thị trường. Có những thông tin tôi chỉ lướt qua trên máy tính, tôi biết được đây là thông tin không chính thống, nhằm mục đích gì đưa ra thị trường. Tôi không đọc nữa", ông Nguyễn Duy Khoa chia sẻ.
Với những nhà đầu tư trẻ hơn, quan trọng hơn cả là kiến thức và các công cụ phân tích vững vàng để tự đưa ra những quyết định có căn cứ.
"Để chúng ta xác định tin đồn có khả năng xảy ra thì mức độ ảnh hưởng như thế nào đến bản chất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn nếu chỉ nghe từ xấu, tiêu cực thì không biết doanh nghiệp có ảnh hưởng không mà bán ra, như vậy sẽ xảy ra phản ứng dây chuyền rất lớn cho thị trường chứ không chỉ tài khoản của chúng ta", ông Nguyễn Khánh, nhà đầu tư, cho hay.
Với các nhà đầu tư, tìm đến các hội nhóm chính thống để xác minh thôngtin là một lựa chọn. Còn với doanh nghiệp, vũ khí mạnh nhất chống lại tin đồn chính là sự minh bạch và minh bạch một cách thường xuyên.
"Doanh nghiệp nên có những buổi công bố, trao đổi thông tin với cổ đông, các đối tác về các câu chuyện diễn ra trên thị trường. Có lẽ trước đây các doanh nghiệp, tổ chức sẽ không quan tâm đến những việc này, nhưng khi nó trở thành một làn sóng thì chúng ta cần làm sao để ngấm dần cho nhà đầu tư hiểu những tin đồn đó là không có căn cứ", ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest, nhận định.
Để khắc phục tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong kiểm tra, xác minh, điều tra và truy vết. Tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Các nhà đầu tư không đưa thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội
Theo quy định hiện hành, bên cạnh mức phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng, nếu vi phạm một trong các trường hợp có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… có thể bịphạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Những hình phạt đủ sức răn đe chắc chắn cũng sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để chặn đứng tin đồn ngay từ chiếc domino đầu tiên.
"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị các nhà đầu tư không đưa thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội, vì điều này dẫn đến vi phạm quy định của nhà nước và sẽ bị xử lý theo quy định. Ngoài ra, nếu đưa thông tin giả mạo sai sự thật gây hậu quả, gây thiệt hại lớn cho tổ chức cá nhân thì có thể bị xử lý hình sự", bà Lê Thị Việt Nga, Chánh Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.
"Có biện pháp lọc, gỡ bỏ những thông tin sai sự thật. Thứ hai là truy tìm những đối tượng phát tán những thông tin sai sự thật và thu thập các thông tin tài liệu để làm việc, xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật", Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho hay.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sẽ cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, Thủ tướng cương quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân tung tin giả, sai sự thật nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.
VTV.vn - Từ năm 2021 đến nay, ngành TT&TT đã ra gần 600 quyết định xử phạt VPHC các cá nhân, tổ chức có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78125453270112202-nod-nit-iv-gnud-ueid-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv