Điêu khắc bơ đã có một lịch sử lâu đời và ngày nay vẫn được gìn giữ, dẫu việc tìm truyền nhân cho công việc này ngày một khó khăn.
Ông Kulzer vừa làm bốn bức tượng bán thân bằng bơ. So với hàng trăm bức tượng bán thân mà bà Christensen đã làm hơn 50 năm qua, đây chưa phải là đáng kể.
Vậy nhưng, Kulzer vừa được giao nhiệm vụ điêu khắc những khối bơ mặn hạng AA nặng 90 pound (khoảng 40kg).
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), bơ được xếp loại dựa trên kết cấu đồng nhất, chất lượng và hương vị. Có ba hạng gồm AA (ngon nhất), A và B. Cả ba hạng bơ phải chứa ít nhất 80% chất béo của sữa.
Các cửa hàng tạp hóa thường bán hai loại bơ là AA và A. Bơ hạng B để nấu ăn hoặc sản xuất hàng loạt, hương vị không tươi và ngọt, dễ bị vụn, chảy nước hoặc dính.
Nhiệm vụ của Kulzer là điêu khắc bơ theo hình ảnh những người mẫu ngồi trước mặt.
Bà Christensen đã nghỉ hưu năm 2021 và ông Kulzer sẽ là nhà điêu khắc bơ chính thức của hội chợ bang Minnesota.
Người mẫu của ông là các cô gái đã giành chiến thắng trong Princess Kay of the Milky Way, một cuộc thi sắc đẹp hằng năm nhằm chọn ra các nữ đại sứ cho những người nông dân chăn nuôi bò sữa.
Thử thách lớn nhất của Kulzer là sử dụng muỗng canh để tạo hình cho khối bơ.
Kulzer là giáo viên mỹ thuật tại Trường Trung học Eden Valley-Watkins, chuyên về điêu khắc.
Ông đã dành hai năm để theo dõi bà Christensen, tìm hiểu sự phức tạp của quá trình điêu khắc bằng bơ lạnh, vốn khó thao tác hơn đất sét, đặc biệt là công đoạn tách lớp.
Đó là bài học đầu tiên mà Kulzer nhận ra vào năm 2020, khi ông lỡ tay lấy đi quá nhiều bơ ở phần mũi của tác phẩm, sau đó phải điêu khắc lại toàn bộ.
Theo The New York Times, năm 2019 trong số năm ứng viên, bà Christensen và Tập đoàn thương mại Midwest Dairy đã chọn Kulzer làm người học việc nhờ kỹ năng điêu khắc và đúc đồng.
Kulzer lớn lên trong một trang trại ngũ cốc ở Minnesota và làm việc tại trang trại bò sữa của những người anh em họ.
Nhờ vậy, ông có thể hiểu sâu sắc hơn truyền thống điêu khắc bơ tại hội chợ bang.
Năm ngoái, sau khi hoàn thành bức tượng bán thân cuối cùng, bà Christensen đưa cho Kulzer con dao xỉn màu, có tên "Old Faithful" mà bà sử dụng suốt 40 năm qua.
Kulzer làm một chiếc vỏ bọc bằng da cho món quà và nhờ bà Christensen ký tên lên đó. Bà Christensen năm nay 80 tuổi. "Thật khó để từ bỏ một công việc mà tôi đã làm trong suốt 50 năm, nhưng Kulzer đã giúp tôi đưa ra quyết định dễ dàng hơn", bà nói.
Các tác phẩm điêu khắc bằng bơ lần đầu tiên xuất hiện tại hội chợ bang Minnesota hơn một thế kỷ trước.
Năm 1965, một nhóm thương mại về sữa bắt đầu truyền thống của hội chợ là tạc tượng những người lọt vào vòng chung kết trong cuộc thi sắc đẹp của Midwest Dairy, bắt đầu khoảng một thập niên trước đó.
Cuộc thi tôn vinh các nữ lãnh đạo trẻ trong ngành công nghiệp sữa của bang. Người chiến thắng chung cuộc sẽ được trao vương miện vào đêm trước khi hội chợ bắt đầu và chào đón khách lúc 6h sáng khi họ bước vào cổng.
Nữ đại sứ sẽ mặc quần áo ấm và ngồi trong "gian hàng" của Kulzer. Đây là một khu vực bằng kính với nhiệt độ rất lạnh, nơi nhà điêu khắc sẽ dành hai ngày để tạc tượng của cô gái trước khi mang ra triển lãm cho quan khách.
Brenna Connelly, 21 tuổi, sống tại thành phố Byron (bang Minnesota) đã trở thành người chiến thắng vào năm 2020 trong cuộc thi Princess Kay of the Milky Way. Các bức tượng bán thân được trưng bày đến khi hội chợ kết thúc.
Connelly đã dùng một ít bơ được lấy từ phần phía sau bức tượng bán thân của mình để làm bữa sáng vào ngày em trai cô tốt nghiệp. Cậu bé đề nghị Connelly gọt lấy phần mũi, nhưng Connelly muốn giữ gìn nguyên vẹn khuôn mặt bức tượng của mình.
Theo The New York Times, việc sử dụng bơ để điêu khắc và trang trí xuất hiện từ những năm 1500. Buổi tối cuối mùa xuân năm 1536, một bữa tiệc được tổ chức trong khu vườn ở khu Trastevere (Rome, Ý) do Bartolomeo Scappi chủ trì.
Ông cũng là đầu bếp nổi tiếng với việc so sánh nấu ăn với kiến trúc, xem bàn ăn như một sân khấu cho những màn trình diễn rực rỡ.
Những bức tượng Hercules được chạm khắc tinh xảo, cùng với sư tử, chú voi mang kiệu và người đàn ông cưỡi lạc đà. Thời đó, tượng không phải là thứ quý hiếm nhưng Scappi đã dùng bơ để tạc tượng.
Trong thời đại xa hoa này, khả năng làm chủ thực phẩm báo hiệu địa vị, bữa ăn trở thành một phong cách nghệ thuật trình diễn.
Gia đình hoàng gia có thể thuê tới 800 nhân viên nhà bếp để biến các bữa ăn trở thành khung cảnh lộng lẫy. Vào thế kỷ 18, miếng bơ trang trí đã trở thành một tiêu chuẩn trên bàn ăn tối ở Anh.
Ở phương Đông, từ đầu những năm 1400, các nhà sư Phật giáo Tây Tạng đã điêu khắc bơ yak - loại bơ làm từ sữa của bò Tây Tạng thuần.
Chúng trở thành món đồ trang trí, thường được làm từ bột mì, nước và bơ, mô tả những biểu tượng quen thuộc trong Phật giáo như mặt trời, mặt trăng, hoa sen.
Bơ sau khi điêu khắc được đặt trong các chiếc hộp chuyên dùng để thờ cúng, đôi khi được để cho tan chảy trong quá trình diễn ra các bài thuyết pháp về tính vô thường của cuộc sống.
Hãng tin NPR dẫn lại cuốn sách Corn Palaces and Butter Queen (Cung điện ngô và Nữ hoàng bơ) của Pamela Simpson, cho biết các công ty sữa đã nhận ra rằng tài trợ cho các cuộc triển lãm điêu khắc bằng bơ là phương thức quảng cáo thông minh.
"Vào đầu thế kỷ 20, bơ trang trí là một trong những nội dung thường xuất hiện tại hầu hết các hội chợ ở các bang miền trung tây nước Mỹ", tác giả viết. Khối lượng bơ có thể lên đến gần 700kg.
Vài năm sau, Brooks lấy cảm hứng từ một quyển sách đã đọc và tạo ra tác phẩm điêu khắc bằng bơ miêu tả nhân vật chính - công chúa Dreaming Iolanthe. Bức tượng trưng bày ở thành phố Cincinnati, có khoảng 2.000 người đến xem, trả 25 xu cho mỗi lần xem.
Brooks tiếp tục đi lưu diễn Hoa Kỳ và châu Âu với các tác phẩm điêu khắc từ bơ của mình.
Sau đó, cô tạo ra các bức chân dung của nhiều tổng thống Hoa Kỳ và các nhân vật đáng chú ý khác bằng thạch cao, đá cẩm thạch và tiếp tục điêu khắc bằng bơ.
Brooks thích bơ hơn đất sét vốn khô và nứt. Tuy vậy, bơ có một nhược điểm đáng kể là phải được giữ lạnh. Sau này, hệ thống lạnh đủ tốt đã giúp lưu trữ bơ một cách hoàn hảo nhất.
Xem thêm: mth.45040827120112202-ob-cahk-ueid/nv.ertiout