Cả nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều bất ngờ sụt giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm trở lại đây. Hiện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro từ cả bên trong và bên ngoài: người tiêu dùng nước ngoài giảm mua sắm vì nỗi lo suy thoái trong khi thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và khủng hoảng trên thị trường bất động sản.
Theo số liệu được Tổng cục hải quan Trung Quốc mới công bố, kim ngạch xuất khẩu (tính theo USD) giảm 0,3% trong tháng 10, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo tăng 4,5% được đưa ra trước đó. Nhập khẩu cũng sụt giảm 0,7%, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2020. Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại 85,15 tỷ USD trong tháng 10.
Kim ngạch xuất khẩu (đường màu đen) và nhập khẩu (đường màu hồng) của TQ qua các năm. Xuất khẩu thường đạt đỉnh vào tháng 12, nhưng năm nay lại sụt giảm. Nguồn: Bloomberg.
Suốt 2 năm gần đây, xuất khẩu vẫn là bệ đỡ lớn cho kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên giờ đây bệ đỡ đó đang lung lay khi nhu cầu mua sắm bù sau đại dịch gần như biến mất trong bối cảnh lạm phát và nỗi lo suy thoái bao trùm khắp nơi từ châu Âu cho đến Mỹ.
Xuất khẩu sang cả Mỹ và châu Âu đều giảm. Tuy nhiên điểm sáng là thị trường Đông Nam Á đã có tới 6 tháng liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số.
Đồ gia dụng là nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm, với mức giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồ nội thất, thiết bị chiếu sáng và thiết bị y tế cũng giảm mạnh. Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục bất ngờ nổi lên như 1 cường quốc xuất khẩu ô tô. Tổng cộng 352.000 chiếc xe đã được xuất đi trong tháng 10, tăng 60% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đồng loạt sụt giảm. Đáng chú ý, lượng quặng sắt nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm giảm mạnh vì thị trường bất động sản gặp khủng hoảng.
Tuần trước, số liệu xuất nhập khẩu của Hàn Quốc cũng cho thấy kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Vì nhu cầu đối với hàng điện tử giảm mạnh, xuất khẩu của nước này đã sụt giảm lần đầu tiên trong 2 năm. Trong khi đó gần như mọi quốc gia trong khu vực Eurozone đều chứng kiến hoạt động sản xuất suy giảm. Hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ đã xuống dốc tháng thứ 4 liên tiếp.
Kinh tế thế giới cũng như hoạt động thương mại toàn cầu kém sôi động khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ “công xưởng thế giới” đi các nơi giảm mạnh. Sau thời kỳ tăng giá điên cuồng, giá cước vận chuyển container loại 40-foot từ Thượng Hải đến Los Angeles hiện đã quay trở về mức ngang với giữa năm 2020.
Giá cước vận chuyển 1 container 40 foot từ Thượng Hải đi các nơi đã giảm rất mạnh.
Theo Bruce Pang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle, “nỗi lo trì lạm ở các nước phát triển càng tăng lên khi mà các nền kinh tế lớn đều thắt chặt chính sách tiền tệ”. “Chỉ số PMI ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đồng loạt giảm trong tháng 10, đồng nghĩa lực cầu ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục yếu đi”. Và đó là tin xấu đối với các sản phẩm “made in China”.
Tham khảo Bloomberg