Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng nữa, nhưng vẫn còn 58.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán. Trong đó có tới 35.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của nhóm ngành bất động sản phải đáo hạn.
Tuy nhiên, nhờ hoạt động mua lại trước hạn và thương thảo với nhà đầu tư nên áp lực trả nợ với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã giảm hơn 9%.
Từ đầu năm đến nay, hơn 142.000 tỷ đồng trái phiếu được doanh nghiệp phát hành chủ động mua lại trước hạn. Trong bối cảnh tiếp cận vốn tín dụng mới không dễ dàng, các doanh nghiệp đang tìm nhiều giải pháp để giảm áp lực này.
Doanh nghiệp muốn trả được nợ phải bán được hàng. Tuy nhiên hiện vòng quay hàng tồn kho bất động sản tăng lên mức 1.500 ngày, tức là với lượng hàng đang có trên thị trường hiện nay, phải 4 năm mới tiêu thụ hết, theo ước tính của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Do đó để quay vòng, trước mắt nhiều doanh nghiệp tăng cường mua lại trước hạn.
"Họ có nhiều tiền mặt, họ đang chờ các cơ hội để mở rộng đầu tư. Thay vì mở rộng đầu tư trong giai đoạn tới thì họ lại mua lại trái phiếu trước hạn để đảm bảo", ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
"Tổ chức phát hành cố gắng thương thảo với nhà đầu tư, thực hiện các biện pháp hoãn, giãn nợ với, thậm chí hàng đổi hàng", ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings, cho hay.
Để giảm áp lực đáo hạn, các doanh nghiệp còn chủ động tìm kiếm dòng tiền mới thông qua việc chuyển nhượng, mua bán sáp nhập với các nhà đầu tư nước ngoài để đảo nợ và tiếp tục phát triển dự án.
"Trong 10 tháng qua, lượng vốn FDI đăng ký mới, mua bán sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tương đương 17% vốn FDI vào Việt Nam", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, thông tin.
Thời gian qua, không ít nhà đầu tư thiếu thông tin đã nhầm lẫn, đánh đồng đầu tư trái phiếu với gửi tiết kiệm ngân hàng. Cũng vì thiếu thông tin nên khi có một số vụ việc trên thị trường lại có phản ứng thái quá.
"Trong 2 năm qua, khi tiết kiệm ngân hàng xuống thấp, mọi người đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà không tìm hiểu nó là cái gì. Trong giai đoạn hiện tại, khi một số vấn đề con sâu làm rầu nồi canh đang được đưa ra thì có thái độ ngược lại với trái phiếu doanh nghiệp mà không cần phân biệt đó là doanh nghiệp tốt hay xấu", ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, nói.
Nghị định 65 đặt ra yêu cầu rất mới nhằm sàng lọc những nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp với yêu cầu trong vòng nửa năm đảm bảo phải có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình. Việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.
"Hạn chế đối tượng nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, không có khả năng đánh giá rủi ro tham gia vào thị trường. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá đây là điều khoản để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, nhận định.
Ngoài ra cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ra công chúng, nhằm chuyển trên 90% lượng trái phiếu riêng lẻ sang trái phiếu phát hành ra công chúng theo các tiêu chuẩn mới cao hơn, an toàn hơn.
Mua lại trái phiếu trước hạn hay gia hạn thanh toán cũng là hoạt động thường thấy ở các thị trường phát triển.
Ở Mỹ, thanh toán đáo hạn đã nằm trong các điều khoản khi phát hành trái phiếu về ngày, mức giá trị nhận lại của trái chủ… Tuy nhiên cũng có những trường hợp là nhà đầu tư (trái chủ) muốn bán trái phiếu trước khi nó đáo hạn. Khi đó họ tự chịu trách nhiệm về việc có thể thu được giá trị cao hơn, hoặc thấp hơn tùy thuộc vào lãi suất lúc bán so với lúc mua.
Việc mua bán sẽ phải qua bên môi giới, mất tiền hoa hồng, thường sẽ là một mức phần trăm nào đó, tùy bên môi giới đưa ra.
Còn trường hợp giãn kỳ hạn thanh toán thường dành cho extendable bonds (trái phiếu gia hạn). Loại trái phiếu này cho phép trái chủ hoặc bên phát hành gia hạn thời gian đáo hạn ban đầu đến ngày nào đó sau này. Vì đặc điểm này, trái phiếu gia hạn thường có giá bán cao hơn, với lãi suất thấp hơn so với trái phiếu không thể gia hạn.
Vai trò của kênh trái phiếu doanh nghiệp tại Mỹ
Bên cạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh gọi vốn chính đáng và quan trọng trong hệ thống tài chính.
Theo thống kê của hãng Statista, nếu so với GDP quý 1/2022 rơi vào khoảng 24,3 nghìn tỷ USD, thì tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ đang lên tới tương đương khoảng 97% GDP. Tuy nhiên vì nó ngày càng lớn nên các quy định cũng rất chặt chẽ.
Khi phát hành trái phiếu, nhà phát hành phải đưa ra bản cáo bạch nêu rõ mục đích sử dụng vốn, tình hình kinh doanh, thông tin liên quan tới lãi suất, thời hạn trả nợ, phương pháp trả nợ và các cam kết phải thực hiện.
Trong báo cáo gần nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp/GDP của Hàn Quốc hơn 86%, Singapore hơn 35 %, Trung Quốc gần 37%. Còn Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Tài chính hiện đang chiếm tỷ trọng 15% GDP, vậy nên, để đạt mục tiêu tăng lên 20% GDP vào năm 2025, việc khơi thông dòng vốn này là vô cùng quan trọng.
VTV.vn - Các doanh nghiệp đang thẩm thấu chính sách, xây dựng lại kế hoạch huy động vốn, hướng tới các đối tượng đầu tư phù hợp hơn trong giai đoạn tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.84023410280112202-peihgn-hnaod-ueihp-iart-nah-oad-cul-pa-maig/et-hnik/nv.vtv