Tín dụng dịch chuyển
Cuối quý II/2022, các ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là TPBank, Techcombank, MB, VPBank, Sacombank, OCB, HDBank, MSB... Tuy nhiên, trong quý III, không ít ngân hàng có động thái dịch chuyển từ tín dụng trái phiếu sang lĩnh vực cho vay mua nhà.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho biết, tính đến cuối quý III/2022, Ngân hàng nắm giữ 5.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 46,6% so với đầu năm và chiếm hơn 1% tổng tài sản. Các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo, tổ chức phát hành thanh toán lãi đầy đủ. Giảm nắm giữ trái phiếu góp phần giúp cho vay khách hàng của HDBank ghi nhận tăng trưởng 28,7% trong 9 tháng đầu năm 2022. Tỷ trọng cho vay bán lẻ (cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa) chiếm 97% dư nợ cho vay.
Tại Techcombank, tính đến cuối quý III/2022, cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng 4,8% so với cuối quý II và tăng 12,8% so với đầu năm. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hạn chế, Techcombank giảm giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp từ 76.800 tỷ đồng cuối quý I xuống 49.300 tỷ đồng cuối quý II và tiếp tục giảm còn 43.500 tỷ đồng cuối quý III để có thêm dư địa cho vay khách hàng. Tính gộp cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp thì tín dụng Techcombank 9 tháng đầu năm 2022 tăng 10,7% so với cuối năm 2021. Tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng đạt 20.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 21,8% so với cùng kỳ và thực hiện được 77% kế hoạch cả năm.
Chính sách tiền tệ dần thắt chặt, lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp liệu có làm giảm triển vọng lợi nhuận của ngân hàng?
Ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Techcombank chia sẻ, trong hoạt động kinh doanh tín dụng, Ngân hàng tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao, rủi ro thấp. Techcombank tận dụng chuỗi giá trị để nắm rõ từng lĩnh vực kinh tế, hiểu khách hàng, quản lý được toàn bộ dòng tiền trong chuỗi giá trị, qua đó nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro. Khi dịch chuyển sang cho vay cá nhân thì 80% dư nợ khách hàng tại Techcombank là vay mua nhà, có thu nhập cao. Bên cạnh đó, phần lớn khoản vay có tài sản thế chấp là bất động sản có giá trị và vị trí tốt.
Đặc biệt, việc quản lý tín dụng sau vay trong chuỗi giá trị của Techcombank là quản lý dòng tiền từ đầu vào, đến thực hiện dự án (chủ đầu tư) và cho vay đầu cuối mua nhà. Đây là lựa chọn mang tính chiến lược từ 7 - 8 năm trước, từ đó đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ nợ xấu qua các năm, gồm cả 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua được kiểm soát ở mức thấp.
Lãnh đạo ACB cho hay, hoạt động của Ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi một số quy định gần đây liên quan đến bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, do Ngân hàng có danh mục đầu tư lành mạnh, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Danh mục tín dụng tập trung vào mảng bán lẻ với tỷ trọng lên đến 94%. Có tới 98% các khoản vay có tài sản đảm bảo và tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV) bình quân danh mục duy trì trên 52%. Tỷ lệ nợ xấu tại ACB vẫn được đảm bảo ở mức 1%.
Xoay xở vì room tín dụng hạn chế
Dư nợ trái phiếu các doanh nghiệp phi ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2022 là 908.800 tỷ đồng, trong đó, bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng.
Trái phiếu doanh nghiệp là một khoản đầu tư quen thuộc của các ngân hàng thương mại, tương tự các khoản cho vay. Vì vậy, mua, nắm giữ và bán trái phiếu doanh nghiệp là các hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp đang là sản phẩm khiến thị trường tài chính e ngại, đặc biệt sau các sự kiện về Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, vì rủi ro chủ thể phát hành mất khả năng trả nợ khi các lô trái phiếu đến hạn gia tăng. Nguyên nhân có thể đến từ rủi ro trong kinh doanh, khiến doanh nghiệp hụt dòng tiền, không thể đảo nợ, hay vướng sự kiện pháp lý như chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam, bị khởi tố trong các vụ án hình sự.
Ngân hàng giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp còn nhằm tạo dư địa cho vay, khi hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cạn dần kể từ tháng 6/2022, thậm chí hành động này được thực hiện từ vài tháng trước đó.
Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6/2022, Vietcombank nắm giữ 11.608 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 0,7% so với cuối tháng 3 và giảm 1,9% so với đầu năm; tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng là 1%.
Tương tự, VietinBank giảm 18% quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2022, xuống 10.967 tỷ đồng, tương đương 0,9% tổng dư nợ tín dụng.
Trong khi đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có những quy định chặt chẽ hơn về nhà đầu tư trái phiếu, doanh nghiệp phát hành cũng như các bên liên quan. Cùng với đó, lãi suất huy động của ngân hàng được điều chỉnh tăng và tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trái phiếu khiến khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm.
Trong quý III/2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công là 60.635 tỷ đồng, giảm 51,7% so với quý II và giảm 71,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng lần lượt là 97,4% và 2,6%. Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý III đều là các ngân hàng như BIDV với 6.867 tỷ đồng, OCB với 6.600 tỷ đồng, VietinBank với 4.210 tỷ đồng. Trong 1.603 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, tăng 434,4% so với quý II, cũng chủ yếu do các ngân hàng thực hiện.
Thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, các ngân hàng chiếm 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III/2022, với giá trị 48.683 tỷ đồng, giảm 39,5% so với quý II và giảm 37,9% so với cùng kỳ. Ngoài 3 nhà băng có giá trị phát hành lớn nhất kể trên, các tổ chức tài chính khác có giá trị phát hành lớn tiếp theo gồm ACB (3.800 tỷ đồng), HDBank (3.694 tỷ đồng), MB (3.630 tỷ đồng)...
Các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 13,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ quý III, tương đương 8.091 tỷ đồng, giảm 45,9% so với quý II và giảm 90,9% so với cùng kỳ.
Huy động trái phiếu giảm nên áp lực nguồn vốn khi trái phiếu đáo hạn gia tăng. VNDIRECT cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV/2022 là 58.840 tỷ đồng, giảm 9,1% so với quý III, nhưng tăng 87,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 34,1%, 32,9% và 33,0%.
Mặc dù vậy, FiinRatings đánh giá, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đối với hệ thống tín dụng hiện nay ở mức thấp. Dư nợ trái phiếu tính đến cuối tháng 9/2022 là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 13% GDP năm 2021. Trong đó, dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng, bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng và chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Chất lượng tín dụng bất động sản có sự phân hóa cao, nhưng nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ. Ngoài ra, hoạt động mua lại trái phiếu trong 9 tháng đầu năm nay của khối doanh nghiệp phi ngân hàng gấp 2,34 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 75.500 tỷ đồng, giúp giảm bớt áp lực trả nợ khi trái phiếu đến hạn.