Việc giá vàng thế giới giảm mạnh trong một tháng qua, nhất là sau khi Fed tăng thêm 0,75% lãi suất vào đầu tháng 11/2022, tác động ra sao đến giá vàng, thưa ông?
Việc Fed tăng mạnh lãi suất khiến vàng giảm về gần 1.600 USD/ounce hiện nay cũng đã được thị trường dự báo trước, bởi vàng rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Giới phân tích vàng còn dự báo, giá vàng có thể xuống mức thấp nhất và xuyên thủng mức 1.600 USD/ounce nếu lợi suất tiếp trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng. Vì thế, trong ngắn hạn, khó có thể kỳ vọng vàng bật tăng đột biến, nhưng triển vọng với mặt hàng này vẫn lớn trong tương lai.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam. |
Nhưng theo lộ trình đưa ra, khả năng Fed còn tăng thêm lãi suất, với khả năng đưa lãi suất USD lên 5% trong tháng 3 năm sau?
Sau quyết định tăng thêm 0,75% lãi suất trong ngày 2/11, USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng trở lại, nhất là khi Chủ tịch Fed cho biết, còn quá sớm để lãi suất ngừng tăng. Các chuyên gia dự báo rằng, xác suất 50% là Fed sẽ nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022 và thêm một vài lần tăng lãi suất USD trong năm 2023, song với mức thấp hơn.
Lộ trình tăng lãi suất mà Fed đưa ra đã được thị trường dự báo và diễn biến giá vàng thời gian qua không quá bất ngờ với giới đầu tư, nên không loại trừ lực mua xuất hiện khi giá vàng giảm.
Trước áp lực lãi suất USD tăng, giá vàng khó bật mạnh trong ngắn hạn. Theo ông, triển vọng nào cho giá vàng trong thời gian tới và liệu có còn là “hầm trú ẩn an toàn” trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu suy thoái, lạm phát cao?
Về dài hạn, triển vọng của vàng vẫn sáng, nhất là khi kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái, nhà đầu tư sẽ tìm đến “hầm trú ẩn an toàn” vàng để bảo toàn đồng vốn. Lạm phát cao cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực lên mặt hàng vàng, song trước mắt, vàng chịu áp lực tăng lãi suất từ Fed, nên chưa thể bật mạnh.
Thực tế, theo thông tin đưa ra từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua kỷ lục 399 tấn vàng (trị giá khoảng 20 tỷ USD) trong quý III/2022, khi nhu cầu toàn cầu đối với kim loại quý này trở lại mức trước đại dịch.
Diễn biến này hầu như không gây ngạc nhiên vì vàng vẫn được coi là tài sản an toàn ưu việt trong thời điểm bất ổn. Vàng cũng được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, lãi suất tăng đã làm ảnh hưởng tới giá vàng khi các quỹ giao dịch hối đoái (ETF) lưu trữ vàng thỏi cho các nhà đầu tư đang trở thành bên bán. Trên thực tế, việc các quỹ ETF bán bớt vàng trong khi các ngân hàng trung ương mua vào đã làm giá vàng giảm 8% trong quý III/2022. Vàng là tài sản không chịu lãi suất và các nhà đầu tư có xu hướng chuyển tiền sang các công cụ có lợi suất cao hơn trong thời điểm lãi suất tăng.
Mãi lực vàng thế giới tăng khi giá vàng giảm, trong khi giá SJC vẫn neo cao và chênh lệch với giá quốc tế gần 20 triệu đồng/lượng khiến người mua trong nước lỗ?
Với thị trường vàng trong nước, đầu tuần này, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vàng miếng SJC vẫn quanh mức 66,1 triệu đồng/lượng và bán ra 67,1 triệu đồng, giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên trước. Chênh lệch giữa giá mua và bán là 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là, giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới gần 18 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên mua vàng trong nước rủi ro cao.
Trong 1 tháng qua, giá vàng thế giới giảm mạnh, còn vàng miếng SJC trong nước liên tiếp tăng. Tuy nhiên, người nắm giữ vàng sau 1 tháng vẫn lỗ khoảng 400.000 đồng/lượng do doanh nghiệp vàng niêm yết chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức cao. Vì thế, người mua vàng trong nước khó có thể “lướt sóng” trong đầu tư vàng hiện nay.
Thế nhưng, theo số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới vừa được công bố, riêng tại thị trường Việt Nam, tiêu thụ vàng tăng từ 3,3 tấn trong quý III/2021 lên mức 12 tấn trong quý III/2022, tăng 264%. Qua đó, có thể thấy, trong bối cảnh thị trường các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang khó khăn do tín dụng bị kiểm soát và áp lực lạm phát cao, nên nhiều người tiêu dùng vẫn tìm đến vàng - vốn là “hầm trú ẩn an toàn”.