Amazon là công ty niêm yết đầu tiên trên thế giới mất 1.000 tỷ USD vốn hóa trong vòng hơn 1 năm. Nguyên nhân được cho là sự kết hợp của lạm phát tăng cao, những chính sách tiền tệ thắt chặt và kết quả kinh doanh đáng that vọng tạo đà cho một đợt bán tháo cổ phiếu lịch sử trong năm nay.
Cụ thể, cổ phiếu của công ty thương mại điện tử và điện toán đám mây này đã giảm 4,3% vào ngày thứ 4, đẩy vốn hóa của họ xuống 879 tỷ USD từ mức kỷ lục 1,88 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2021. Amazon và Microsoft đang trong cuộc đua gay cấn tiến đến cột mốc không mong muốn này. Hiện tại, Microsoft cũng chứng kiến vốn hóa bốc hơi 889 tỷ USD từ mức đỉnh vào tháng 11/2021.
Trong khi cổ phiếu công nghệ chịu áp lực mạnh trong suốt cả năm nay thì nỗi sợ về suy thoái kinh tế khiến lĩnh vực này thêm mù mịt. Top 5 công ty công nghệ của Mỹ xét về doanh thu đã chứng kiến gần 4 nghìn tỷ USD vốn hóa bị thổi bay trong năm nay.
Cổ phiếu Amazon giảm mạnh.
Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã dành cả năm nay để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử giảm khi người tiêu dùng quay trở lại thói quen trước đại dịch. Cổ phiếu của họ đã giảm 50% khi báo cáo doanh số chậm lại, chi phí tăng và lãi suất tăng. Kể từ đầu năm. Đồng sáng lập Jeff Bezos cũng đã chứng kiến tài sản giảm 83 tỷ USD xuống chỉ còn 109 tỷ USD.
Tháng trước, Amazon dự kiến công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong quý cuối năm khi mà người tiêu dùng giảm chi tiêu do đối mặt với những điều không chắc chắn về kinh tế. Điều này đã khiến vốn hóa thị trường của họ xuống dưới mức 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên sau 2 năm.
Từ trước đến nay, Amazon được biết đến là “chi li” hơn so với các gã khổng lồ công nghệ khác. Chính vì vậy, suy thoái kinh tế trong thời gian vừa qua đã tạo thêm áp lực để họ phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí hoạt động.
Tại một cuộc họp vào tháng 10, CEO Andy Jassy đã truyền tải một thông điệp tương tự khi được hỏi về suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của nó đối với các khoản đầu tư trong tương lai của Amazon. Ông cho biết Amazon sẽ suy nghĩ kỹ hơn về các khoản chi tiêu, mặc dù họ vẫn tiếp tục đầu tư vào những “ván cược” dài hạn.
“Không ít người đang lo lắng về suy thoái kinh tế. Tất nhiên, không ai trong chúng ta biết chắc điều gì sẽ xảy ra nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy đang có nhiều khó khăn trong nền kinh tế, cả ở thời điểm hiện tại và tương lai. Tôi không biết nó sẽ tồn tại trong bao lâu nhưng theo tôi, một trong những điều mà chúng ta nên làm là sắp xếp hợp lý hơn cách mà Amazon sẽ mở rộng vào năm 2023”, ông phát biểu.
Jassy chỉ ra một số kế hoạch dài hạn vẫn sẽ được chú trọng đầu tư, bao gồm trợ lý ảo Alexa và cửa hàng tạp hóa. Dù vậy, vị CEO cảnh báo rằng Amazon sẽ phải tìm ra sự cân bằng phù hợp bằng cách "kiên nhẫn về mặt chiến lược”.
“Một trong những điều mà mọi người hiểu lầm là đôi khi họ quên rằng các doanh nghiệp bền vững, có định hướng lâu dài không phải lúc nào cũng cần phải mở rộng nhanh chóng hàng năm”, Jassy nói.
Trong vài tháng qua, Amazon đã đóng cửa một loạt các dự án nổi tiếng, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa Amazon Care và ngừng thử nghiệm robot tự lái Scout. Ngoài ra, họ còn giảm đáng kể quy mô đội ngũ robot và phòng thí nghiệm ảnh chụp mặt trăng Grand Challenge. Cùng với đó là giảm bớt kế hoạch mở rộng kho hàng và đối tác giao hàng.
Một số nhân viên lo ngại rằng Amazon đang ở “Day 2” chứ không còn ở “Day 1” như trước nữa. “Day 1” là tôn chỉ mà nhà sáng lập Jeff Bezos đặt ra từng những ngày đầu và luôn theo đuổi để Amazon luôn trong trạng thái khởi đầu và đổi mới. Trong khi đó, theo nhân viên công ty, văn hóa đó dường như đang chậm lại.
Nguồn: Bloomberg