Nhan nhản từ ngữ dung tục, bình luận chửi thề trên các trang MXH hiện nay - Ảnh chụp từ màn hình
Từ "chửi thề cực gắt", "chửi thề cc nói chuyện vô văn hóa" đến cả ngụy trang dưới hình thức dạy ngoại ngữ "chửi thề tiếng Quảng Đông", "chửi thề tiếng Hàn", thậm chí cả dính đến âm nhạc "chửi thề remix", "chửi thề lofi"...
Trăm hoa đua nở
Thử gõ "chửi bậy" trên thanh tìm kiếm Google, có đến 1,5 triệu kết quả trả về, cũng muôn hình vạn trạng: chửi thề tiếng Trung cực mạnh, 100 câu chửi thề tiếng Nhật sang chảnh, chửi thề chuẩn...
Vào các diễn đàn và một vài mạng xã hội (MXH) khác, kết quả cũng xôm tụ không kém. TikTok - MXH được giới trẻ ưa chuộng hàng đầu hiện nay - tràn ngập clip "thánh chửi tục", "chửi live cực gắt"... mà có clip đến cả trăm ngàn lượt xem!
"Bình thường mà, ai không có lúc stress, tức điên và buông vài câu xả cho hả giận? Tôi nghe có nghiên cứu cho thấy chửi thề giúp tâm trạng thoải mái hơn (?). Cá nhân tôi thấy các trang web trên khá thú vị. Thú thật, tôi coi chửi thề như một thói quen khó bỏ", V.T.Minh (28 tuổi, chuyên viên truyền thông) chia sẻ.
Xu hướng trên cũng khá phổ biến ở một bộ phận người có ảnh hưởng trên MXH hoặc các bạn khát khao nổi tiếng. Họ không ngần ngại đăng clip chửi, thậm chí "chửi ngày không đủ tranh thủ chửi đêm", canh chửi vào giờ vàng... vì tin làm thế là cá tính, sẽ thu hút sự chú ý của đám đông, giúp mình nổi tiếng trên MXH.
Đánh giá đôi khi do góc nhìn của mỗi người song thật sự đáng lo khi suy nghĩ "xem chửi thề như một thói quen" đang phổ biến ở nhiều bạn trẻ. Nhất là khi điều đó được MXH "tiếp sức", nơi mà khối đứa trẻ 5, 7 tuổi tự do lên mạng.
"Bức tranh tối" hai chữ C!
Khách quan mà nói, cũng có một số trang MXH rất nỗ lực ngăn chặn tình trạng nói tục, chửi thề từ người sử dụng. Nhưng khả năng "sáng tạo" lẫn tinh ranh không giới hạn của người dùng, các trang MXH cũng khó kiểm soát hết nội dung. Chẳng hạn nhiều bạn trẻ dùng từ cái lồng, cái lol, con đũy... để "lách luật" khi lên mạng.
Hoặc vài chức năng khác mà các MXH thừa nhận họ bất lực trong việc kiểm soát những nội dung dung tục khi phát trực tiếp (livestream) hoặc bình luận (comment). Mà thực ra không phải trang MXH nào cũng mặn mà việc xử phạt người dùng vì điều đó sẽ tỉ lệ nghịch với "miếng bánh" lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo.
Chữ C đầu tiên là công nghệ thuyết phục (persuasive technology) - thuật ngữ do nhà nghiên cứu B.J.Fogg (ĐH Stanford, Hoa Kỳ) giới thiệu đầu những năm 1990 - là công nghệ được thiết kế nhằm thay đổi thái độ hoặc hành vi của người dùng.
Đứng sau các trang MXH là cả ê kíp lập trình, thiết kế, tâm lý học, cả chuyên gia khoa học hành vi để có thể đưa ra những tính năng thu hút sự chú ý của người dùng, giữ chân họ thông qua thuật toán tổng hợp, phân tích dữ liệu người dùng.
Ngay cả khi người dùng chỉ vô tình coi, tò mò nhấn coi lại, nhấn nút thích một dòng trạng thái hoặc clip nào đó, MXH tự hiểu là chúng ta thích coi và chủ động gợi ý những nội dung tương tự cho lần sau.
Chữ C thứ hai là chủ nghĩa tư bản giám sát (surveillance capitalism) - khái niệm do giáo sư Shoshana Zuboff (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) giới thiệu - có thể hiểu đơn giản là một hệ thống kinh tế, tập trung khai thác dữ liệu cá nhân, giám sát tinh vi hành vi người dùng phục vụ việc tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ qua các hoạt động kinh doanh cho công ty công nghệ nói chung, trang MXH nói riêng.
Và một khi các chữ C nói trên chưa được kiểm soát đủ gắt gao từ các bên quản lý, cả nhận thức chưa đầy đủ của người dùng, ắt hẳn giải pháp cho những vấn đề trên sẽ vẫn còn bị bỏ ngỏ...
Liệu rằng người trẻ chửi thề, nói tục hay đệm những từ tục tĩu khi nói chuyện, thậm chí cả trên lớp học là điều bình thường, không có gì quá lớn hoặc đáng phải bận tâm? Mời các bạn cùng chia sẻ suy nghĩ và gửi về email: quoclinh@tuoitre.com.vn.
TTO - Những lời nói tục, chửi thề, nói tiếng lóng không chỉ phát ra từ miệng nhiều bạn trẻ, mà còn là loại ngôn ngữ như “mã độc” lan truyền khắp mạng xã hội.
Xem thêm: mth.76630043201112202-et-ut-gnan-ion-tam-neuq-enilno-nel/nv.ertiout