Hàn Quốc vẫn là thị trường "đỉnh" nhập khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Thông tin trên từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Cũng theo VASEP, lũy kế từ đầu năm đến nay, bạch tuộc xuất khẩu ước đạt hơn 557 triệu USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ. Riêng ở quý 3, bạch tuộc xuất khẩu tăng cao nhất - 53% so với quý trước đó.
Hàn Quốc luôn là thị trường "đỉnh" nhập khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam. Lũy kế đến hết tháng 10, thị trường này đạt trên 200 triệu USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ.
Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến có xu hướng tăng mạnh.
"Cũng như các nước châu Á, Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu mực hàng đầu nhưng do nhu cầu nhiều, kéo theo giá trị xuất khẩu cao nên so ra thì Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam hiện nay", ông Hòe giải thích.
Cũng theo ông Hòe, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch, bạch tuộc cắt khúc, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con, mực cắt trái thông đông lạnh…
Hiện nay mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 61 thị trường, trong khi năm ngoái chỉ có 59 thị trường. Mới đây có thông tư 06 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu được miễn kiểm dịch.
Theo chuyên gia thủy sản của VASEP, đây là thông tin có lợi cho các doanh nghiệp để bớt gánh nặng trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện tại.
"Từ nay đến hết năm, nhu cầu từ thị trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng. Dự tính cả năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc có thể đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021", vị này cho hay.
Mặc cho người bạn liên tục nhắc nhở nguy hiểm, cô gái vẫn chủ quan cầm chai cồn châm trực tiếp vào lửa để nướng khô mực khiến nhiều người xem thót tim.