Cha mẹ bất ngờ vì chi phí cao
Chỉ vài giây sau khi rời quầy thanh toán tại cửa hàng đồ thể thao, Rachel Kennedy đã lấy điện thoại ra nhắn tin cho chồng. Cô vừa mua xong một đôi găng tay, quần, thắt lưng, giày... cho con trai mình, Liam, khi mùa bóng chày sắp đến.
"Tôi nhắn tin cho bố thằng bé và hỏi anh ấy: "Có phải năm ngoái chúng tôi đã thực sự bỏ ra 350 USD cho những thứ này không"", cô Kennedy nói với hãng tin AP.
Việc tăng giá của các môn thể thao dành cho giới trẻ không có gì mới, nhưng cú sốc về lạm phát hai con số trên khắp nước Mỹ trong năm nay đã tạo thêm những gồ ghề tốn kém trên con đường dẫn đến các sân bóng, bể bơi và phòng tập khiêu vũ trên khắp nước Mỹ. Nó đã buộc một số gia đình, như gia đình Kennedy, phải giảm số mùa giải, giải đấu hoặc môn thể thao mà con họ có thể chơi; đồng thời thúc đẩy các nhà tổ chức giải đấu trở nên sáng tạo hơn trong việc nghĩ ra cách để giảm giá và tăng mức độ tương tác.
Các nghiên cứu gần đây, được thực hiện trước khi lạm phát bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày trên khắp nước Mỹ, cho thấy các gia đình đã chi khoảng 700 USD mỗi năm cho hạng mục thể theo của con em, trong đó đi lại và trang thiết bị chiếm phần lớn nhất trong chi phí.
Trong khi đó, tất cả từ huấn luyện viên bóng đá đến điều phối viên bơi lội đang vật lộn tìm ra những phương thức ít tốn kém hơn để giữ chân các gia đình. Chi phí cho đồng phục và thiết bị, cùng với việc thuê cơ sở vật chất, đang tăng lên - đó là do các vấn đề chuỗi cung ứng, thiếu hụt nhân lực hay chi phí xăng và đi lại tăng cao... Tỷ lệ lạm phát hồi tháng 9 tại Mỹ đạt 8,2%.
Lạm phát khiến gia đình Kennedy thắt lưng buộc bụng. Ảnh: AP
Kennedy, sống ở Monroe, Ohio, mô tả gia đình cô là "ở tầng lớp thấp trong tầng lớp trung lưu", đã chọn để Liam rút lui khỏi các giải đấu mùa hè và mùa thu. Đặc biệt, nhà Kennedy cũng không muốn ở lại khách sạn qua đêm cho các giải đấu kéo dài nhiều ngày của Liam.
Lạm phát khiến các bên thắt chặt chi phí
Một nghiên cứu được công bố bởi Viện Aspen trước đại dịch COVID-19 cho thấy, trong mỗi môn thể thao, chi phí đi lại (mỗi đứa trẻ là 196 USD/môn thể thao/năm) nhiều hơn so với bất kỳ khía cạnh nào khác của môn thể thao đó như trang thiết bị, giáo trình.... Một số báo cáo cho biết, giá khách sạn ở một số thành phố cao hơn năm ngoái khoảng 30%, và cao hơn năm 2019, trước khi bắt đầu đại dịch.
Ở các sân vận động, chi phí thuê trọng tài, nhân viên trông sân, nhân viên vệ sinh hay huấn luyện viên cũng tốn kém hơn. Ngay cả những môn thể thao truyền thống, vốn tiêu tốn ít chi phí hơn, cũng gặp phải vấn đề.
Một CEO tại trung tâm khiêu vũ ở khu vực Denver, cho biết cô bắt đầu tìm kiếm các nhà cung cấp đồng phục mới như một cách để giảm chi phí cho các gia đình. Một số điểm đến cho những vòng thi điển hình ngoài tiểu bang trong một mùa giải đã được chuyển đến các thành phố có nhiều lựa chọn chuyến bay hơn - và vì vậy, ít tốn kém hơn.
Theo một ước tính, tương lai của ngành công nghiệp thể thao thanh niên tạo ra khoảng 20 tỷ USD đang bị đe dọa trước đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, lạm phát đã tạo cơ hội cho một số gia đình xem xét lại các vấn đề lần đầu tiên xuất hiện, sau khi nhiều giải đấu của giới trẻ bị hủy bỏ do COVID-19.
Một báo cáo khác của Viện Aspen từ trước khi đại dịch kết luận,khả năng chơi thể thao của trẻ em thuộc các gia đình thu nhập thấp chỉ bằng một nửa so với trẻ em từ các gia đình có thu nhập cao hơn.
Kennedy cho biết cô từ lâu đã may mắn có một gia đình ủng hộ - bao gồm cả ông bà, những người đã trả tiền để Liam tham gia các trận đấu bóng chày. Nhưng có một số thứ phải suy tính lại. Kennedy cho hay, "chi phí cho một hoạt động có thể lên tới 1.200 USD, không bao gồm thiết bị và chi phí đi lại, nhưng chúng tôi không có nhiều tiền như vậy".
Tuy nhiên, Liam rất thích bóng chày và nghỉ chơi hoàn toàn không phải là một lựa chọn phù hợp.
Kennedy nói: "Là cha mẹ, tôi thà đói cũng phải đảm bảo con tôi có được thứ chúng cần. Vì vậy, tôi đã bỏ Starbucks hoặc một số thứ tiện ích khác. Như vậy có thể đảm bảo thằng bé có thể ra sân... Nhưng chắc chắn chi phí không hề rẻ hơn chút nào".