Nhiều bạn trẻ thoải mái chửi bậy khi chơi game online - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thịnh - học sinh lớp 10 một trường THPT tại quận Tân Phú (TP.HCM) - không ngại thừa nhận như vậy khi được hỏi về chuyện nói bậy và còn nói việc đó gần như trở thành chuyện bình thường của nhiều học trò cấp III trong trường, thậm chí không ít bạn nói tục như ngôn ngữ thường ngày.
Nói một câu, chửi bậy một câu
Thịnh kể bạn bè chung lớp khi nói chuyện với nhau ít nhiều đều nói bậy. "Chắc tới 80% bạn bè mình có chửi bậy. Nhẹ nhẹ sẽ chêm vài từ nhưng nhiều đứa chửi tục tĩu ghê lắm. Mà câu nào cũng nói tục nha, nghe mà nhức đầu luôn", Thịnh chia sẻ.
Thịnh thừa nhận bản thân mình thỉnh thoảng cũng nói bậy nhưng chỉ khi nào nói chuyện với bạn bè thân thiết chứ tuyệt nhiên không bao giờ dám nói bậy với người lớn.
Hay Duy Bách (16 tuổi) - học sinh lớp 11 - cũng thừa nhận thường chửi bậy "khi người khác chọc khiến mình điên" hoặc khi nói chuyện với bạn bè thân thiết. Bạn nói rằng chuyện bạn bè chung lớp nói tục là rất bình thường, chưa kể có không ít bạn hễ "mở miệng là chửi tục".
Khảo sát nhanh một số bạn học sinh cấp III, hầu như các bạn đều thừa nhận ít nhiều đã từng chửi bậy. Có khi ban đầu chỉ là hơi hơi bậy, rồi "lâu lâu nói cho vui" cho đến "nói tục như một phản xạ tự nhiên".
Ở các bạn tầm tuổi lớn hơn, là sinh viên thì chuyện chửi bậy có vẻ ít hơn nhưng chuyện nói tục vẫn khá phổ biến với các bạn nam.
"Tôi thấy cũng tùy người nhưng đúng là khi đi đá banh, chơi game online chung là chửi nhau văng tục ghê lắm, nghe nóng mặt", Thanh Tùng - sinh viên năm 4 tại TP.HCM - cho biết.
Chính Tùng cũng thừa nhận là sinh viên ngành nhà hàng, khách sạn, học về giao tiếp một cách lịch sự và chỉn chu nhưng nói tục đúng là thói quen khó bỏ khi Tùng thường đi đá banh và chơi game online với nhóm bạn mà cứ "thua là chửi".
Tuy nhiên, Tùng cho rằng bạn bè chơi chung với nhau nói vài câu bậy bạ là bình thường, chỉ cần đừng nói bậy với người lớn là được.
Vui thôi mà!
5h chiều tại quán cà phê cạnh bên một trường học ở quận Bình Tân (TP.HCM) khá đông khách, chủ yếu là học sinh. Tiếng í ới gọi nước, những tràng cười, tiếng điện thoại chơi game của nhóm học sinh.
"Đ.m mày thấy ngu chưa. Tao bảo rồi, cấm Grakk (một vị tướng trong game Liên quân - PV) đi mà không nghe", một bạn trong nhóm cộc cằn nói. Một bạn khác xen vào: "Đ.m để tao đi Gildur khắc chế nó là được chứ gì, c.c gì mà căng".
Lẫn trong câu chuyện chiến thuật của trận game kéo dài hơn 20 phút là những câu nói tục, chửi thề liên tục vang quanh cả một sảnh lớn của quán.
Hẹn gặp khách hàng ở quán nhưng chẳng may phải liên tục nghe những câu chửi tục của các vị khách mới vào ở bàn bên khiến chị Lê Hiền Hậu (27 tuổi) - nhân viên môi giới bất động sản tại quận 1 (TP.HCM) - khó chịu và phải đổi bàn.
"Tôi hơi ngạc nhiên khi các bạn đang khoác trên người đồng phục học sinh nhưng vẫn vô tư nói tục. Mà hình như là thói quen, nhiều em nói như câu cửa miệng hay phải nói từ đó thì câu chữ mới tròn ý nhỉ!", chị Hậu bày tỏ.
Bảo, cậu học sinh trong nhóm tham gia từ đầu đến cuối và liên tục chửi bậy, cho rằng mọi người chỉ là quen miệng chứ không xúc phạm gì ai. "Có gì to tát đâu, bạn bè chơi chung chửi đùa vài câu, miễn gặp người lớn, thầy cô hay về nhà lễ phép là được", Bảo thẳng thắn.
Nhận thấy người xung quanh tỏ thái độ nên Kiên - một bạn trong nhóm học sinh trên - bớt nói tục lại. Kiên bảo đúng là nói lớn làm ảnh hưởng đến xung quanh là không nên nhưng việc nói gì, nói thế nào là chuyện cá nhân! "Tụi em vẫn thường vậy, chửi vậy đó nhưng có ý gì đâu, chỉ là lần sau sẽ nói nhỏ hơn", Kiên cười.
Phải biết kiềm chế, biết sửa
Nói về thói quen văng tục, khá nhiều bạn cho rằng có thể kiềm chế "chửi đúng nơi, đúng chỗ" hoặc chỉ trong phạm vi bạn bè thân thiết. Tuy nhiên không ít sự cố vẫn xảy ra khi quen miệng, chêm từ tục tĩu đã thành thói quen. Việc học sinh quen nói bậy khi gặp nhau từ trường cho đến nơi công cộng một cách thoải mái khiến người xung quanh khó chịu.
"Biết là nói chuyện với người lớn không được nói tục nhưng đôi lúc quen và hào hứng quá cũng lỡ miệng bật ra. Mình từng lỡ miệng một vài lần nên chắc phải sửa thôi", Thanh Tùng (23 tuổi) cho biết.
Có phải người trẻ chửi thề, nói tục hay thói quen đệm từ tục tĩu lúc trò chuyện là chuyện bình thường, không có gì quá lớn hoặc đáng bận tâm? Mời các bạn cùng chia sẻ suy nghĩ và vui lòng gửi về email: quoclinh@tuoitre.com.vn.
TTO - Câu chuyện được nghe tại một quán cà phê ở quận 3 (TP.HCM) với không gian toàn người trẻ mà phần lớn là học sinh vì quán nằm gần một ngôi trường cấp III khá nổi tiếng.