Đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận, quyết định
Liên quan việc thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (tại Điều 86 dự thảo luật), Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, có ý kiến đề nghị giảm đến mức tối đa trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Quốc hội gia hân |
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Nhà nước thu hồi đất trong mọi trường hợp để đảm bảo vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước, đồng thời để tránh trường hợp trong một khu vực diễn ra tình trạng chênh lệch lớn giữa mức giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất so với giá nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gây sự so bì, phát sinh khiếu kiện như thời gian qua.
Theo ông Hà, Nghị quyết 18 khóa XIII xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, do đó cần phải thu hồi đất để có quỹ đất phục vụ cho mục tiêu trên.
Tuy nhiên, Nghị quyết 18 cũng yêu cầu “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Đây là nội dung quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau, quyết định đến phương thức tiếp cận, chuyển dịch đất đai, ảnh hưởng đến việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, dễ phát sinh khiếu kiện. Do đó, ông Hà cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đồng thời đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận, quyết định vấn đề này.
Thuộc diện Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện
Đối với ý kiến đề nghị nên quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người dân trong các dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại vì đây là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, ông Hà cho hay, Nghị quyết 18 T.Ư khóa XIII xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”.
Do đó, tại Điều 125 và Điều 126 dự thảo luật đã quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Vì vậy, trong trường hợp này Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện.
Quốc hội sẽ dành cả ngày hôm nay 14.11 để thảo luận luật Đất đai sửa đổi gia hân |
Theo Bộ trưởng TN-MT, việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai còn tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
Đối với ý kiến quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, ông Hà cho hay, dự thảo luật đã quy định tại Điều 138. Tuy nhiên, nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì khi thực hiện đồng thời hai cơ chế sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường gây phát sinh khiếu kiện.
Đồng thời, khó thực hiện chủ trương Nhà nước giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra như yêu cầu tại Nghị quyết 18.
Tuy vậy, tại Điều 135 (không phải Điều 125 và 126) trong dự thảo mà Chính phủ trình Quốc hội quy định về đấu giá quyền sử dụng đất chỉ quy định đất thuộc trường hợp nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là một trong 5 quỹ đất để đấu giá chứ không hề nói dự án đô thị hay dự án nhà ở thương mại.
Hai loại dự án này vốn chỉ được cơ quan soạn thảo liệt kê là một trong các dự án thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng tại Điều 86.