Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đề xuất bỏ quy định bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe máy.
Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới không xếp bảo hiểm này vào loại hình thương mại mà xem như chính sách an sinh xã hội. Do đó, nó là một loại bảo hiểm bắt buộc, đảm bảo người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, với phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy – chính sách này sau chục năm triển khai tỷ lệ bồi thường rất thấp, theo số liệu, chỉ khoảng 6% trong khi với ôtô là 33%.
Sau khi thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm được đơn giản hoá theo Nghị định 03/2021, tỷ lệ bồi thường với bảo hiểm bắt buộc xe máy cũng chỉ ở mức 2% tính trong nửa đầu 2022, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV).
Về lý do của tình trạng trên, theo chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán, "doanh nghiệp sai ngay từ bước đầu tiên: bán và tư vấn sản phẩm". Hầu hết đại lý bỏ qua khâu tư vấn, người mua không thực sự biết mình mua cái gì, quyền lợi và thủ tục đòi bồi thường ra sao. Mua bảo hiểm với tâm lý đối phó, không nắm rõ quyền lợi khiến người dân hiếm khi nghĩ tới việc đòi bồi thường khi xảy ra sự cố.
Theo góc nhìn của phó tổng giám đốc một hãng bảo hiểm phi nhân thọ, thiệt hại của các vụ va chạm xe máy thường thấp, không đủ động lực để người dân thực hiện các thủ tục đòi bồi thường. Cộng thêm việc thiếu hiểu biết về thủ tục đòi bồi thường, tâm lý ngại mất thời gian phiền hà, nhiều người chọn cách bỏ tiền túi để giải quyết nhanh chóng và không ảnh hưởng người đi đường xung quanh.
Tỷ lệ bồi thường ở mức thấp, theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, cũng xuất phát từ cơ chế chi bồi thường của bảo hiểm bắt buộc với xe máy. Ông đánh giá, tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm gây khó khăn khi bồi thường phổ biến, thiếu sự quản lý và giám sát của cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính. Doanh nghiệp bảo hiểm nhiều năm chạy đua thị phần bằng chi phí, trả hoa hồng cho người bán bảo hiểm xe máy lên tới 70% doanh thu khiền nguồn quỹ bồi thường còn lại rất hạn hẹp.
Nhiều chuyên gia đề xuất thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy.
Theo ông Trần Nguyên Đán, tỷ lệ bồi thường ở mức thấp chứng tỏ chính sách an sinh không đạt mục tiêu đề ra ban đầu. Các nước trên thế giới vẫn bắt buộc loại bảo hiểm này vì thực hiện bồi thường hiệu quả. Trong khi đó, tỷ lệ chi bồi thường tại Việt Nam thấp, thông tin cũng không được minh bạch và công khai. "Không có lý do gì bắt buộc người dân phải mua khi quyền lợi gần như không được hưởng", ông Đán nói.
Ông Vũ Thành, một người điều khiển xe máy thường xuyên tại Hà Nội, cũng cho biết nhiều năm nay mua bảo hiểm xe máy chỉ để tránh bị phạt khi kiểm tra giấy tờ. "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bỏ bắt buộc bảo hiểm với xe máy vì thực tế chỉ lãng phí tiền. Việc đòi bồi thường từ doanh nghiệp nhiêu khê và phức tạp, tôi cũng chưa thấy bạn bè người thân nào đòi được", anh nói.
Chính sách về bảo hiểm bắt buộc với xe cơ giới đã tồn tại hơn 30 năm, trải qua 4 lần sửa đổi, 8 lượt văn bản quy định chi tiết.
Bảo hiểm có ưu điểm chi trả nhanh hơn cho người bị nạn, giảm áp lực tài chính cho người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn so với biện pháp đòi bồi thường khác. Trong góp ý mới đây, VCCI cho rằng, rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra. Cơ quan này dẫn số liệu năm 2019 về việc chỉ 45 tỷ đồng được bồi thường trên tổng số phí 765 tỷ đồng, cho thấy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
"Nếu cho rằng các quy định chi tiết hay quá trình thực thi có vấn đề thì vì sao thực trạng này vẫn chưa được khắc phục", VCCI nêu.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, việc bán bảo hiểm một cách đại trà và đối phó như hiện nay là sự lãng phí nguồn lực khi phần lớn nguồn thu phí bán bảo hiểm "chảy" vào túi của kênh đại lý. Theo ông Trần Nguyên Đán, nếu chuyển loại bảo hiểm xe máy sang dạng tự nguyện, thời gian đầu doanh nghiệp có thể sẽ không có doanh thu mảng này. Tuy nhiên, cách này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp "tự mò ăn khi đói", tức tìm cách thiết kế sản phẩm sát với nhu cầu thực tế, thay vì tuân theo điều kiện cứng mà Bộ Tài chính đặt ra. Các doanh nghiệp khi đó sẽ cạnh tranh bằng thực lực, bán và tư vấn sản phẩm theo hướng để người dân hiểu được ý nghĩa cần thiết của bảo hiểm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm vẫn giữ quan điểm cần bắt buộc loại bảo hiểm này, bất chấp con số bồi thường ở mức rất thấp.
Lập luận của Bộ Tài chính là, số vụ tai nạn giao thông do môtô hai bánh, xe gắn máy, xe máy chiếm 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Hậu quả tai nạn giao thông gây ra thiệt hại không chỉ với nạn nhân mà còn cả chủ xe, gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.
Theo đó, việc bắt buộc chủ xe mua bảo hiểm này để khi xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt những vụ nghiêm trọng, nạn nhân luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ phía công ty bảo hiểm.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, bỏ bảo hiểm bắt buộc là cách dễ làm nhất nhưng lại không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Nếu muốn theo đuổi được "ý nghĩa nhân văn" của loại bảo hiểm bắt buộc này, Bộ Tài chính cần có hành động quyết liệt hơn nữa để nâng cao tỷ lệ bồi thường, thuyết phục được lòng dân.
Trên thực tế, thủ tục đòi bảo hiểm nay đã đơn giản hơn nhiều theo quy định mới nhất tại Nghị định 03/2021, trường hợp không có người tử vong, không nhất thiết phải có hồ sơ công an như trước. Quy trình làm thủ tục đòi bồi thường đã được thông thoáng và có lợi hơn nhiều cho người dân.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, người tham gia bảo hiểm cần biết rõ quyền lợi mà mình được hưởng, quy trình, thủ tục đòi bồi thường. Đòi bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc, theo ông, thậm chí, đơn giản hơn với ôtô bắt buộc vì chủ yếu là thiệt hại về người nên chỉ cần một số giấy tờ như giấy ra viện, chứ không cần phải xác minh thiệt hại tài sản. Vấn đề quan trọng là phải xoá bỏ được định kiến "mua dễ khó đòi" đã ăn sâu vào tâm lý người dân.
Qua đó, Giám đốc Infair cho rằng Bộ Tài chính cần tuyên truyền cho người dân, thông qua việc chi có hiệu quả hơn từ quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Hiện nay, tối đa 1% doanh thu hoa hồng bán bảo hiểm được trích vào quỹ này hằng năm, nhưng công tác chi chưa cho thấy hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Xuân, Bộ Tài chính nên thanh, kiểm tra nghiêm với doanh nghiệp chi hoa hồng khủng vượt quy định. Như năm 2019, chi phí cho việc bán bảo hiểm xe máy lên tới 80% hoặc hơn, phần lớn phí bảo hiểm xe máy thất thoát qua kênh phân phối mà không tới được người tham gia.
Vì thế, ông Xuân đề xuất thay đổi hình thức phân phối lạc hậu này để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, đơn cử bán bảo hiểm điện tử qua nhắn tin trừ cước điện thoại, mua qua tài khoản ngân hàng. Ông nói, bảo hiểm trách nhiệm dân sự ôtô đã thực hiện được chứng nhận bảo hiểm điện tử "thì tại sao với xe máy lại không"
Quỳnh Trang