Cùng nhau ngồi xuống
Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, đến thời điểm này, đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu với nhà đầu tư được tổ chức. Kết quả của các cuộc gặp này không đồng đều, có trường hợp đạt được đồng thuận cao về hướng xử lý, nhưng cũng có những tình huống nhà đầu tư chưa thoả mãn với phương án nhà phát hành đưa ra. Mất niềm tin khiến họ chỉ mong rút được tiền về thật nhanh, chấp nhận mức chiết khấu (discount) lớn.
Gần đây nhất, cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản với các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của đơn vị này đã phần nào giải tỏa được tâm lý của các trái chủ. Tại đây, lãnh đạo doanh nghiệp đã cam kết sẽ đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho trái chủ, dĩ nhiên phải theo một lộ trình vạch ra, chứ không thể “ào một cái, vào một ngày, một tuần, đồng loạt đến rút trước hạn”.
Thông tin khá tích cực với tâm lý nhà đầu tư trái phiếu là mới đây, một số tổ chức phát hành gồm Hưng Thịnh Land, Gotec Land, Nam Land, Thương mại công nghệ An Phát thông qua đại lý là TVSI đã thông báo về kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn trong quý IV/2022 và năm 2023, với tổng giá trị 2.140 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty cổ phần Sunshine Homes thông báo mua lại trái phiếu trước hạn với quy mô 500 tỷ đồng, hay Saigon Glory cam kết mua lại trước hạn 10.000 tỷ đồng trái phiếu.
Các con số trên tất nhiên chưa thấm tháp vào đâu so với tổng quy mô trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trên toàn thị trường, nhưng chí ít cũng cho nhà đầu tư thấy được các bên vẫn đang tìm hướng xử lý tốt nhất có thể.
Nền kinh tế đang phát triển tốt, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được lựa chọn rất kỹ càng bởi các đơn vị tư vấn, thì sản phẩm trái phiếu có tiềm năng sinh lời ổn định.
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư IPA AM
Ghi nhận cho thấy, đang có rất nhiều nhà đầu tư muốn rút vốn trước kỳ hạn, kể cả rút đúng kỳ hạn nhưng vẫn chưa được đáp ứng, nguyên nhân căn bản nhất là yêu cầu đưa ra ồ ạt một lúc khiến các tổ chức phát hành không thể xoay trở kịp.
Tại talkshow “Chọn danh mục” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư IPA AM nhận xét, vấn đề hiện tại của thị trường vốn là niềm tin của nhà đầu tư đang bị lung lay.
Ông Hoàng cho rằng, nền kinh tế đang phát triển tốt, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được lựa chọn rất kỹ càng bởi các đơn vị tư vấn, thì sản phẩm trái phiếu có tiềm năng sinh lời ổn định và hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Theo đó, ông Hoàng kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét tăng lượng tiền lưu thông trên thị trường để hỗ trợ thanh khoản, khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư, vì mục tiêu phát triển bền vững của thị trường vốn.
Ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối phát triển kinh doanh PVI AM cho biết, PVI AM đã làm việc với một số quỹ đầu tư lớn và công ty chứng khoán và ghi nhận việc họ đều nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu khi có hiện tượng rút vốn hoặc bán tài sản của nhà đầu tư cá nhân.
“Do đó, cần phải bình tĩnh ngồi lại cùng nhau, có thể có các biện pháp để giãn kế hoạch thanh toán, để làm sao thị trường có thể phát triển một cách ổn định và bền vững, tránh việc bán tháo các tài sản”, ông Cường khuyến nghị.
Gỡ rối được thanh khoản, niềm tin nhanh trở lại
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Thực tế phát triển của thị trường này những năm vừa qua cho thấy, trong giai đoạn thị trường đang chập chững những bước đi đầu tiên, rất cần được sự nâng đỡ kỹ càng của cơ quan quản lý.
Ở thời điểm mà lòng tin của nhà đầu tư có phần lung lay như hiện tại, theo ông Hoàng, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cần giải pháp hỗ trợ thanh khoản để thị trường trái phiếu tiếp tục phát triển và nâng tầm cho thời gian tới.
Số liệu thống kê của IPA AM cho thấy, lượng trái phiếu sắp đáo hạn trong tháng 11 và 12/2022 (không tính trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành), lên đến vài chục nghìn tỷ đồng và khối lượng cao hơn trong quý I/2023. Theo ông Hoàng, cơ quan quản lý cần có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề thanh khoản bị ảnh hưởng bởi những nhà đầu tư lung lay niềm tin.
“Nếu gỡ rối được thanh khoản trong ngắn hạn, lòng tin sẽ trở lại rất nhanh và thị trường sẽ lại phát triển theo cách nó đã đi hiệu quả như thời gian qua”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Thực tế cũng cho thấy, hiệu ứng domino về thanh khoản giữa các thị trường vốn đã xảy ra, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cổ phiếu.
“Biện pháp trước mắt là khôi phục niềm tin của thị trường, khủng hoảng ở đâu thì chúng ta xử lý ở đó. Khủng hoảng niềm tin thì chúng ta chỉ có mỗi cách là xử lý về khủng hoảng niềm tin. Yếu tố vĩ mô không phải là yếu tố quan trọng nhất thời điểm hiện tại, nó chỉ có tác động tương đối vào thị trường”, ông Hoàng nói.
Chuyên gia này cho rằng, hiện tại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không phải quá cạn kiệt, nhưng kết hợp với một số yếu tố phát sinh trong tháng 10 vừa qua khiến vòng quay tài sản có phần chậm lại, dẫn đến thanh khoản có một "cú hẫng".
Nhưng tới đây, lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước bơm ra theo kế hoạch tiếp tục tăng trưởng, room tín dụng sẽ được mở lại vào đầu năm sau. Đáng nói là, lượng tiền trong dân đang rất lớn, theo thống kê lượng tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng lên đến hơn 5 triệu tỷ đồng.
“Nếu cân đối vấn đề rủi ro và cơ hội thì trong một đất nước có tiềm năng tăng trưởng GDP 10 năm tới thuộc nhóm hấp dẫn nhất của toàn cầu, khu vực, tham gia vào thị trường vốn là mong muốn không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam mà còn là mong muốn của những nhà đầu tư lớn trên toàn cầu. Dòng vốn của những quỹ đầu tư quốc tế đều đang tìm kiếm cơ hội để có thể gia nhập thị trường vốn Việt Nam. Họ đang quan sát cũng như tìm thời điểm để có thể gia nhập một cách tốt nhất”, ông Hoàng lạc quan.