Nhà đầu tư chú ý đến yêu cầu Bộ Tài chính phải có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động.
Kỳ vọng những khó khăn của thị trường được các cơ quan quản lý đánh giá, xem xét để phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp sống được, nhà đầu tư mới không mất tiền.
Ghi nhận từ thị trường tuần qua cho thấy căng thẳng về thanh khoản ở nhiều doanh nghiệp đã lên đến đỉnh điểm. Cả ba kênh mà doanh nghiệp trông cậy về vốn lâu nay là tín dụng, chứng khoán và trái phiếu đều đóng băng khiến doanh nghiệp bế tắc. Cổ phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản lớn tại phía Nam chất đống lệnh bán sàn nhiều phiên liên tục đã phản ánh bức tranh khó khăn đó. Không khó hiểu lý do bởi dòng tiền được ví như mạch máu cấp nguồn sống cho các doanh nghiệp.
Tác động domino khi các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng có thể thấy rõ. Đó là nợ xấu ngân hàng, người lao động mất việc làm, nhà thầu, nhà cung cấp nguyên vật liệu bị nợ đọng, người mua nhà thiếu niềm tin doanh nghiệp có thể đảm bảo tiến độ dự án không dám xuất tiền ra mua….
Trong khi đó, các điều kiện tài chính của Mỹ và nhiều thị trường khác đã có dấu hiệu cải thiện. USD Index giảm hơn 3% và lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ cũng đã nguội sau khi lượng tiền bắt đáy từ các quỹ đầu tư trái phiếu chảy vào kỷ lục. Lạm phát của Mỹ đã giảm về 7% khiến các điều kiện tài chính bớt căng thẳng. Đây là những cơ sở đã khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán Mỹ và giúp thị trường này có những phiên tăng điểm mạnh nhất trong vòng 50 năm qua.
Trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index đã giảm thêm gần 15% từ đầu tháng 10 đến nay, đưa Việt Nam thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm 2022 (-37%), vượt qua mức giảm của thị trường Nga, Hồng Kông và cả chỉ số Nasdaq. Đợt giảm này đã đưa VN-Index về mức định giá của các thời điểm kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng trong quá khứ, phản ánh những rủi ro về thanh khoản mà khối doanh nghiệp và cả thị trường đang phải trải qua.
Nếu không có những hỗ trợ kịp thời, thị trường chứng khoán được nhìn nhận vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực do dòng tiền hạn chế từ áp lực đáo hạn trái phiếu, call margin, và triển vọng tăng trưởng xấu đi. Vấn đề được mong chờ hiện nay là khi nào Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan có những thay đổi trong chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, ổn định lãi suất, tỷ giá, lấy lại niềm tin trong thị trường trái phiếu và thị trường tài chính.