Đo đạc cắm cọc giải phóng mặt bằng tại vị trí dự kiến xây cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn (nối TP.HCM - Bình Dương) thuộc dự án vành đai 3, đoan qua thành phố Thuận An - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 14-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa bổ sung, giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025. Trong đó giao thêm cho Bình Dương hơn 3.541 tỉ đồng để thực hiện dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh.
Tổng cộng tới nay vốn ngân sách trung ương đã giao cho Bình Dương để thực hiện dự án vành đai 3 là hơn 7.807 tỉ đồng, trong đó hơn 5.361 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng và 2.446 tỉ đồng để xây dựng đường.
Nguồn vốn giao cho Bình Dương để xây dựng bao gồm hai cây cầu nối TP.HCM - Bình Dương thuộc dự án là: nút giao Tân Vạn (giao giữa xa lộ Hà Nội và vành đai 3) và cầu Bình Gởi (vượt sông Sài Gòn).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) cho biết dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh có tổng mức đầu tư là 19.280 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương và vốn của tỉnh mỗi bên chịu một nửa.
Vừa qua UBND tỉnh Bình Dương đã trình và được HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó ngân sách của tỉnh sẽ bố trí 3.000 tỉ đồng giai đoạn 2021-2025 để giải phóng mặt bằng cho vành đai 3 TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết do tính chất quan trọng của dự án vành đai 3 TP.HCM là dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ (qua bốn tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An) nên thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Dương có cam kết sẽ bố trí ngân sách đủ 50% tổng mức đầu tư dự án qua địa bàn tỉnh.
Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, tỉnh Bình Dương cam kết bố trí nguồn vốn tăng thêm theo đúng quy định.
Để cân đối nguồn lực cho dự án vành đai 3 TP.HCM, tỉnh Bình Dương sẽ điều chỉnh vốn các dự án chưa thật sự cần thiết để ưu tiên cho dự án này.
Theo kế hoạch, tới cuối tháng 6-2023 các địa phương phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để thực hiện dự án. Thời gian không còn nhiều nên các địa phương đang gấp rút thực hiện song song các đầu việc để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo thực hiện dự án.
TTO - Là công trình giao thông kết nối quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án vành đai 3 TP.HCM đặt mục tiêu tới tháng 6-2023 khởi công. Một khối lượng công việc đồ sộ đang chờ, công tác chuẩn bị diễn ra thế nào?