Trẻ mắc hội chứng TIC đang được thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: THU HIẾN
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng TIC (Tic là một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ đích, xảy ra bất ngờ nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần) hiện nay là do cha mẹ quá bận việc để trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình thiết bị điện tử, chơi game, lướt TikTok... quá đà.
Đang khỏe bỗng nhiên có nhiều biểu hiện lạ
Theo ghi nhận tại khoa nội nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), mỗi ngày phòng khám nội thần kinh tiếp nhận từ 5-6 bệnh nhi mắc phải hội chứng TIC với các biểu hiện như: nheo mắt, lẩm bẩm, lắc đầu, nhún vai, hắng giọng, la hét, lặp lại một câu từ nhiều lần...
Trước dịch COVID-19, bệnh viện cho biết rất ít khi tiếp nhận những trường hợp này, thường hai ngày mới có 1-2 bệnh nhi.
Thấy cháu mình gần đây có các biểu hiện lạ như nheo mắt liên tục, giật cổ, giật tay chân khi ngồi học bài, xem phim... bà T.T. (82 tuổi, Bình Thuận) liền đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám, qua chẩn đoán các bác sĩ cho biết trẻ mắc phải hội chứng TIC.
"Ba mẹ cháu đi làm xa nên tôi chăm sóc thay. Trước đó do dịch COVID-19 phải giãn cách cháu ở nhà, ít khi ra ngoài chơi nên tôi hay cho sử dụng điện thoại. Cháu thường sử dụng để chơi game, đôi khi bắt chước theo trào lưu trên TikTok.
Thấy cháu biểu hiện nheo mắt, giật cổ nặng hơn hai ngày liên tiếp nên tôi liền đưa đi thăm khám. Bác sĩ nói cháu mắc phải hội chứng TIC, cần để cháu hạn chế sử dụng điện thoại lại", bà T. nói.
Anh T.L. (33 tuổi, TP.HCM) cho biết trong đợt dịch COVID-19 vì sợ ra ngoài con có thể nhiễm bệnh cộng thêm công việc bận sợ con trẻ quậy phá nên anh thường cho hai con nhỏ sử dụng điện thoại.
"Sau khoảng vài tháng một cháu có biểu hiện nheo mắt thường xuyên hơn kể cả khi ngồi ăn cơm, học online nên tôi rất lo lắng.
Thấy con có biểu hiện lạ nhiều hơn nên tôi đưa con đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc phải hội chứng TIC phải điều trị bằng thuốc, hạn chế cho con chơi các thiết bị điện tử, tăng thời gian để trẻ ra ngoài chơi nhiều hơn", anh L. kể.
Coi chừng cận thị giả
Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết thêm việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử còn khiến trẻ gặp phải các vấn đề về mắt như: mắt mỏi, cận thị giả với các biểu hiện đỏ mắt, cảm giác cay mắt, khô rát, chảy nước mắt, chớp mắt, dụi mắt, đau nhức mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt...
Cận thị giả khi có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn mắt phù hợp và sử dụng thuốc liệt điều tiết (nếu cần) có thể trở về bình thường, không cần mang kính. Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ, phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt để có chẩn đoán chính xác.
Trẻ bị kỳ thị, ảnh hưởng kết quả học tập
Bác sĩ Lý Hiển Khánh - khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết hội chứng TIC là một dạng rối loạn vận động có tính tự phát, ngoài các nguyên nhân như di truyền, yếu tố khác, hiện nay nguyên nhân chủ yếu là do trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử để chơi game, xem phim.
Trẻ mắc hội chứng TIC vẫn rất tỉnh táo, nhận thức bình thường, không ảnh hưởng đến tim mạch, hô hấp... Tuy nhiên, nếu không được điều trị, trẻ đến trường sẽ bị kỳ thị, tự ti làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, tâm lý của trẻ nhỏ.
Bác sĩ Khánh cho biết thêm trẻ mắc hội chứng TIC khác với bệnh động kinh, động kinh thường mất ý thức và có các cơn co giật mạnh, ngược lại ở trẻ hội chứng TIC trẻ vẫn nhận thức bình thường.
Để điều trị cho trẻ mắc hội chứng TIC cần mất từ 3-6 tháng, trẻ được dùng thuốc nhẹ và điều chỉnh hành vi như hạn chế sử dụng thiết bị điện tử.
Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, khoa mắt - tai mũi họng - răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết những năm gần đây Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều những rối loạn TIC ở trẻ em, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường.
Bên cạnh những bất thường não di truyền hoặc các chất dẫn truyền thần kinh và một số yếu tố sinh học, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm và kéo dài cũng được cho là một trong những yếu tố thuận lợi có thể gây ra hội chứng này.
TIC được chia thành nhiều nhóm: TIC vận động (nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm), TIC âm thanh đơn giản, tạm thời (thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét...), TIC phức tạp, mãn tính cho đến hội chứng thần kinh Tourette liên quan đến nhiều nhóm cơ.
Hiện nay, quá trình điều trị rối loạn TIC thường kéo dài, các bác sĩ thường can thiệp xoay quanh các liệu pháp tâm lý - hành vi, kết hợp sử dụng thuốc. Phụ huynh nên chú ý phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo bậc phụ huynh khi thấy con mình có các biểu hiện thuộc các nhóm TIC trên cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra. Đặc biệt kiểm soát được thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ, hướng dẫn trẻ tập thể dục thể thao nhiều hơn, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
Bị TIC âm thanh, trẻ thường hay chửi thề
"Hiện trẻ sử dụng rất nhiều các thiết bị điện tử, dùng máy tính bảng, đặc biệt trào lưu bắt chước TikTok dẫn đến mắc hội chứng TIC làm rung giật cơ, đặc biệt là TIC âm thanh không thể kiểm soát được. Những trường hợp nặng phải nhập viện điều trị, còn trường hợp nhẹ sẽ được điều trị tại nhà kết hợp với thuốc nhẹ.
Trước đây tỉ lệ mắc triệu chứng này chỉ khoảng 20% ở trẻ em, nhưng hiện nay tại các nước lân cận và tại Việt Nam đang gia tăng khiến các phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, lo ngại nhất là TIC âm thanh, trẻ thường hay chửi thề", bác sĩ Dư Tấn Quy - phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - nói.
TTCT - Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, bác sĩ ở nhiều quốc gia ghi nhận hiện tượng trẻ em gái, đặc biệt là thiếu nữ, gặp vấn đề về rối loạn Tic (các cơ cử động bất thường, lặp đi lặp lại không kiểm soát) với mức độ cao bất thường. Tại Mỹ, Canada, Úc và Anh, có một sự liên quan chung là các em đều sử dụng TikTok.
Xem thêm: mth.30490822241112202-91-divoc-hcid-uas-noh-ueihn-cit-gnuhc-ioh-cam-ert/nv.ertiout