Ngày 15-11, tại Hà Nội diễn ra toạ đàm Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Tại tọa đàm, GS-TS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, Việt Nam là một dân tộc có học và trọng học, đó là giá trị rất lớn.
Theo ông, Tôn sư trọng đạo là đạo lý ngàn đời nay, không chỉ theo nghĩa chỉ là kính trọng thầy cô, mà còn phải hiểu theo nghĩa rộng hơn, trí tuệ, lý trí hơn, với mong muốn khơi dậy khát vọng của dân tộc, để hướng tới tương lai. Đất nước phát triển hay không, sánh vai với cường quốc được hay không là nhờ công của thầy, trò.
Theo GS-TS Vũ Minh Giang, văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần cho sự phát triển mà tinh hoa của nền văn hoá quốc gia chính là giáo dục, đào tạo. Do đó chúng ta có thể đi học khắp thế giới nhưng cuối cùng cái quan trọng nhất vẫn là đứng trên đôi chân của mình.
“Tôi mong muốn, thầy cô phải giúp học trò nhận thức chính mình, đánh giá đúng mình, tự tin biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh, thì Việt Nam mới có thể hùng cường”- GS Vũ Minh Giang nói.
GS-TS Vũ Minh Giang phát biểu tại tọa đàm. |
Ông cũng cho rằng, quyền uy của người thầy nằm ở nhân cách, tình yêu thương học trò và trình độ học vấn. Chính điều đó là sợi dây bền chặt nhất kết nối tình nghĩa thầy trò.
Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam nhấn mạnh, nghề giáo là nghề cao quý tạo ra năng lực, nhân cách và cả tương lai cho học trò.
Theo đó, giáo viên phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng; Phải biết gieo nhu cầu mới và quan trọng là biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó.
PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thì đưa ra góc nhìn, dạy học đang là một nghề ngày càng được xã hội, cộng đồng đòi hỏi, kỳ vọng và yêu cầu cao.
Trong bối cảnh hiện tại, đây cũng là một nghề có rủi ro nghề nghiệp cao, do luôn đòi hỏi phải có sự mô phạm nhưng vẫn phải đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Khi sự đấu tranh giữa cái cũ kỹ giáo điều và lý giáo dục mới vẫn chưa kết thúc khiến cho giáo viên bị cạn kiệt về cảm xúc.
Trong thời đại nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế, tôn vinh các công ty khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần doanh nhân, đề cao các yếu tố công nghệ, giải trí thì nghề giáo và vị thế người giáo viên có thể không còn ở vị trí trung tâm, không còn được tôn trọng như trước đây. Dẫu vậy, nghề giáo vẫn là một trong những ngành nghề tốt nhất, đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới.
"Thầy cô giáo ngày nay không còn chỉ là người dạy học mà phải chuyển đổi để trở thành một huấn luyện viên, một người cố vấn, một người thân trong gia đình, thậm chí là một người nghệ sỹ để thực hiện được tất cả những nhiệm vụ của mình... Sự phát triển của một quốc gia xuất phát từ nguồn nhân lực cao và trách nhiệm xây dựng con người phù hợp với thời đại mới là của những người thầy. Không còn điều gì quan trọng hơn thế"- PGS- TS Trần Thành Nam nói.
Tọa đàm là một trong những hoạt động trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô diễn ra trong hai ngày 15 và 16-11 tại Hà Nội.
Hoạt động này nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy, cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982- 20-11-2022).